Ngành Y tế:

Chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người

Cập nhật: 06-03-2017 | 18:53:02

Dịch cúm A(H7N9) đang bùng phát và có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc. Mặc dù nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A(H7N9), nhưng theo nhận định của ngành y tế, nguy cơ dịch cúm A(H7N9) có thể xâm nhập vào nước ta, lây truyền sang người và bùng phát thành dịch là rất cao nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng bệnh. Ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế Bình Dương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng bệnh nhằm có sự chủ động và ứng phó kịp thời…

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dịch cúm A(H7N9) đang diễn biến hết sức phức tạp tại Trung Quốc. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại Trung Quốc dịch cúm A(H7N9) đang xảy ra tại 13 tỉnh, thành phố với số trường hợp mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%). Theo số liệu thống kê, từ tháng 3-2013 đến ngày 22-2-2017, Trung Quốc đã ghi nhận 1.223 trường hợp mắc cúm A(H7N9). Riêng trong 2 tháng vừa qua, đã ghi nhận 340 trường hợp mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Trong số các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đang xảy ra cúm gia cầm, có 2 tỉnh là Quảng Đông và Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta. Do đó, nguy cơ xảy ra dịch cúm A(H7N9) tại nước ta là rất cao. Bình Dương cũng không nằm ngoài nguy cơ đó.

 

Để chủ động ngăn ngừa sự ây truyền của vi rút cúm A(H7N9) sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế về việc phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người, để chủ động phòng chống dịch cúm A(H7N9) xâm nhập và lây lan tại địa phương, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà cho biết, ngành y tế Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở, các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai công tác phòng chống. Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cảng khẩu Bình Dương. Ngoài Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, các đơn vị y tế trên địa bàn cũng phải tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu gửi xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, đặc biệt đối với những trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết; triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch. Song song đó, cần phối hợp với cơ quan thú y trong việc chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm tại các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra.

Người dân nên sử dụng sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc Ảnh: Q.N

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế chỉ đạo chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền; tổ chức trực cấp cứu; sẵn sàng tiếp nhận, thu dung, cách ly điều trị hiệu quả các trường hợp bệnh đến khám và nhập viện. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị hệ dự phòng trong việc lấy mẫu gửi xét nghiệm và xử lý ổ dịch.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=354
Quay lên trên