Chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai

Cập nhật: 22-05-2013 | 00:00:00

Những năm gần đây ở nước ta, thiên tai đã gây nhiều tổn thất nặng nề về người, tài sản, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra đang là vấn đề cấp bách đối với các cấp, các ngành, từ T.Ư đến địa phương, nhằm bảo vệ tính mạng người dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thiệt hại do thiên tai giảm đáng kể

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, do có sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của chính quyền các cấp cũng như người dân, từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính, cho nên thiệt hại về người đã giảm đáng kể. Số người chết và mất tích do thiên tai trong 5 năm qua chỉ còn 1.868 người, giảm 162 người so với 5 năm trước. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng giảm nhiều nhất thiệt hại về người, điển hình là trong trận lũ lớn năm 2011. Nếu như trận lũ lịch sử năm 2000 làm 481 người chết và mất tích thì trận lũ cũng được coi là đặc biệt lớn năm 2011, số người chết chỉ còn 89 người. Ðây là hiệu quả rõ nét và thiết thực của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đưa hàng trăm nghìn hộ dân vùng ngập sâu, vùng bị sạt lở đến nơi ở mới an toàn, nhất là việc tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung. Bên cạnh đó, thiệt hại về tính mạng đối với ngư dân hoạt động trên biển trong 5 năm qua cũng giảm đáng kể nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là việc dự báo bão kịp thời và chính xác hơn.

  Tu bổ đê biển Cồn Xanh, Hải Phòng.Nét nổi bật khác trong công cuộc giảm thiệt hại do thiên tai gây ra là thiệt hại về tính mạng của người dân vùng ven biển do bão và áp thấp nhiệt đới đã xuống mức rất thấp. Sở dĩ đạt được mục tiêu này là do chính quyền các cấp ở địa phương đã chủ động chuẩn bị chu đáo các phương án ứng phó, chỉ đạo kiên quyết việc sơ tán hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người trước khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền.

Cùng với việc giảm thiệt hại về tính mạng người dân, các địa phương còn chủ động chuyển đổi mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp; quản lý tàu, thuyền ngày càng chặt chẽ hơn; các công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng mới, gia cố tu bổ vững chắc; nhà cửa của nhân dân được xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, các hình thái thiên tai ngày càng khốc liệt, thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tài sản trong những năm qua không những chưa giảm mà còn có xu hướng tăng. Từ năm 2008 đến 2012, thiệt hại về tài sản trên phạm vi cả nước ước tính gần 74 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20 nghìn tỷ đồng so 5 năm trước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên một phần do nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển, tài sản của Nhà nước và nhân dân có giá trị cao hơn. Mặt khác, công tác quy hoạch chưa tốt, chưa dự báo chính xác diễn biến phức tạp của thiên tai, chưa thực hiện được bài bản việc lồng ghép yêu cầu phòng ngừa thiên tai và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội... Chỉ tính riêng năm 2012, đã có bốn cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; 19 đợt mưa xảy ra trên diện rộng cùng nhiều đợt dông, lốc xoáy kèm mưa đá gây thiệt hại nặng về người và tài sản.

Nỗ lực của các cấp, các ngành

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, năm 2013, thời tiết diễn biến tiếp tục khó lường, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Ðông khoảng từ 11 đến 13 cơn, trong đó, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta khoảng năm đến sáu cơn. Ngay từ đầu năm, bão và áp thấp nhiệt đới đã xuất hiện rất sớm ở phía nam Biển Ðông. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục quản lý đê điều và PCLB Vũ Xuân Thành cho biết: Ðến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt xong dự án và kế hoạch đấu thầu các dự án tu bổ đê điều thường xuyên bằng nguồn vốn T.Ư. Các địa phương cũng đã tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước mùa lũ trên địa bàn; đồng thời xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ đê điều. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác phòng, chống, không để phát sinh vi phạm Pháp lệnh Ðê điều mới như Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương như Bắc Ninh, Thái Bình và TP Hà Nội còn phát sinh nhiều vi phạm đê điều mới chưa được xử lý dứt điểm.

Cùng chúng tôi đi kiểm tra một số tuyến đê và trạm bơm trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Xuân Việt cho biết, mặc dù nguồn vốn T.Ư đầu tư cho tu bổ đê điều thường xuyên năm nay khoảng 17 tỷ đồng nhưng chưa được cấp, nguồn vốn địa phương dự kiến 32 tỷ đồng đến nay mới tạm ứng được 20%. Dù vậy, tỉnh Hải Dương đã tu bổ xong toàn bộ hệ thống đê, kè. Tại các tuyến đê, hiện chỉ có công nhân làm nốt công việc trồng cỏ mái đê.

TP Hải Phòng có hơn 420 km đê; trong đó có gần 290 km đê ổn định, bảo đảm an toàn (chiếm 67,3%), còn lại gần 118 km đê kém ổn định và hơn 20 km đê xung yếu, có nguy cơ mất an toàn cao. Tập trung chủ yếu trên các tuyến đê hữu sông Luộc, đê tả sông Lạch Tray, đê hữu sông Thái Bình, đê tả sông Văn Úc, đê hữu sông Kinh Thầy, đê sông Thải... Ngoài ra, hơn 83 km kè vẫn còn hơn 29 km kém ổn định, 2,4 km kè xung yếu mất an toàn cao như kè chống xói lở bờ đê tả sông Văn Úc, huyện An Lão và huyện Kiến Thụy; kè Nam Hải trên tuyến đê biển 2, huyện Kiến Thụy, kè Quyết Tiến trên tuyến đê hữu sông Văn Úc, huyện Tiên Lãng...

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và PCLB Hải Phòng Nguyễn Bá Tiến cho biết, đến nay thành phố đã hoàn thành các dự án tu bổ đê điều thường xuyên, kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều, công trình xử lý đột xuất chống sạt lở bảo vệ đê năm 2012. Ðáng chú ý, trước mùa mưa bão, thành phố đã tu bổ, nâng cấp gần 29 km đê biển xung yếu thuộc các tuyến đê biển I, II, đê biển Cát Hải và đê biển Bạch Ðằng; xây lại 11 cống dưới đê biển; hai kè mỏ hàn tạo bãi... sẵn sàng phòng, chống bão và nước biển dâng.

Một số giải pháp và kiến nghị

Nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, năm 2013, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã tập trung rà soát, bổ sung các phương án bảo đảm an toàn cho các công trình PCLB; chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng và tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai cụ thể với đặc điểm, điều kiện từng vùng; tăng cường giám sát, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt; lồng ghép việc xây dựng cơ sở hạ tầng với công tác PCLB nhằm bảo đảm an toàn dân cư; tăng cường năng lực, phương tiện trong công tác PCLB và tìm kiếm cứu nạn...

Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, việc ưu tiên nguồn vốn nhằm hỗ trợ kinh phí sớm hoàn thành các dự án công trình nâng cấp đê kè, hồ đập; xây dựng các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn phục vụ việc di dời dân cư khi thiên tai xảy ra là cần thiết. Ngoài ra, cần tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; đầu tư xây dựng các trạm quan trắc để thông tin kịp thời; dự báo sớm về tình hình lụt bão ở các vùng giáp ranh giúp người dân có biện pháp phòng, chống, đối phó...

Mặt khác, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác và sẵn sàng đối phó thiên tai; chỉ đạo, rà soát các phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đến từng địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình; dự phòng đủ phương tiện, thuốc men, lương thực khi thiên tai xảy ra; gấp rút triển khai công tác kiểm tra và xử lý kịp thời những sự cố của các công trình đê kè, hồ đập...

Những khó khăn trong công tác PCLB năm 2013 như, thời tiết, khí hậu được dự báo sẽ diễn biến bất thường, không theo quy luật. Thêm vào đó, một số công trình xây dựng từ lâu nay xuống cấp nghiêm trọng, vận hành khó khăn. Ngoài ra, tư tưởng chủ quan của các cấp, các ngành và người dân, sự trông chờ vào hỗ trợ của cấp trên dễ dẫn đến những thiệt hại to lớn về người và tài sản cần được khắc phục triệt để. Muốn vậy, các cấp, các ngành cần kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB và phân công rõ trách nhiệm, địa bàn cho từng thành viên; các địa phương xác định điểm xung yếu để xây dựng phương án khắc phục khi có thiên tai xảy ra, nhất là cần chủ động thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" đối với những địa phương có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét,... Có vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân, góp phần vào sự phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh quốc gia.

Theo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=324
Quay lên trên