Huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo là 2 địa phương có đàn heo lớn của tỉnh. Hiện 2 địa phương này đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Ông Nguyễn Ngọc Hợp, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dầu Tiếng, cho biết ngay từ tháng 9-2018, đơn vị đã tham mưu UBND huyện ban hành một số công văn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi và phòng, chống cúm gia cầm. Sau khi Cục Thú y công bố dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Hưng Yên và Thái Bình, ngành thú y huyện đã tăng cường tuyên truyền tới người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển heo chết, bệnh và sản phẩm nhập lậu, nhất là từ Trung Quốc vào địa bàn huyện để tiêu thụ.
Bên cạnh đó, trạm đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng l - 2 lần/tuần. Trạm cũng thành lập các tổ kiểm tra tình hình lâm sàng trên heo tại các trang trại, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn. Kết quả cho thấy, các trang trại, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Đối với Phú Giáo, hiện toàn huyện có 107 trang trại chăn nuôi heo với hơn 210.000 con heo; chăn nuôi nhỏ lẻ có hơn 22.000 con. Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết thực hiện Công điện hỏa tốc số 04 của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi, ông đã yêu cầu các ngành và UBND các xã, thị trấn trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh này.
Đại diện UBND huyện Phú Giáo cũng đã trực tiếp làm việc với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, yêu cầu thực hiện khẩn cấp việc tiêu độc, sát trùng, phòng chống dịch bệnh; tăng cường kiểm soát dịch bệnh ngay từ khâu giết mổ, vận chuyển, buôn bán sản phẩm thịt heo; phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn đến từng trang trại, hộ chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, vận chuyển heo để kiểm tra. Qua đó kịp thời báo cáo UBND huyện để có những giải pháp xử lý kịp thời, không để nguy cơ dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng đến người chăn nuôi, đến ngành chăn nuôi của địa phương.
Ông Nguyễn Phi Long, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Phú Giáo, cho biết từ khi nghe thông tin dịch bệnh tả heo châu Phi xuất hiện ở một tỉnh phía Bắc, hợp tác xã đã hướng dẫn cho các xã viên chăn nuôi heo thực hiện việc tổ chức tiêu độc, sát trùng chuồng trại mỗi ngày 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều tối; tổ chức rải vôi bột chuồng trại với lượng nhiều hơn bình thường xung quanh chuồng trại, lối ra vào để hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra. Cùng với đó, hợp tác xã đề nghị các thành viên thực hiện vệ sinh chuồng trại đều đặn, hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào chuồng trại...
H.NGA - H.PHƯƠNG