Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương do ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng đoàn vừa có cuộc làm việc với Bình Dương, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống kênh tiêu Bình Hòa (TP.Thuận An) được đầu tư xây dựng góp phần thoát nước, phòng chống ngập trên địa bàn
Diễn biến khó lường
Những năm gần đây, Bình Dương không bị ảnh hưởng trực tiếp của các trận bão, áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra một số loại thiên tai như giông, lốc xoáy (gần đây có mưa đá); ngập do mưa lớn, ảnh hưởng triều cường, xả lũ hồ chứa quốc gia ở một số khu vực trũng ven sông; sét đánh… Điển hình là lốc xoáy kèm theo mưa lớn đã xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại đáng kể.
Theo đánh giá của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh, thiên tai chủ yếu do mưa lớn, lốc xoáy và triều cường. Trong đó, lốc xoáy gây hư hỏng về nhà cửa, công trình, gãy đổ cây trồng thường xảy ra nhiều vào thời kỳ chuyển mùa; mưa lớn, triều cường gây ngập úng nhà cửa, lúa, hoa màu, đường giao thông xảy ra nhiều vào các tháng cuối năm. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 trận mưa kèm giông lốc, gây thiệt hại 1 người chết, 1 người mất tích, 2 người bị thương nhẹ, tốc mái 56 căn nhà, 3 nhà xưởng, sập 1 căn nhà, ngập 3 căn nhà; thiệt hại 18 ha lúa, 21 ha hoa màu, gãy đổ 28,6 ha cao su đang khai thác, 10 ha cây ăn trái và 1 ha cây ăn trái bị rụng trái; sạt lở, bể 59m bờ suối, bờ bao, 40m bờ mương; 200 hộ thiếu nước sinh hoạt, hư hỏng 6 trạm biến thế, gãy 4 trụ điện, sập 3 cổng chào, 208m tường rào và thiệt hại một số tài sản khác. Ước thiệt hại về tài sản khoảng trên 4 tỷ đồng.
Cơ quan chuyên môn nhận định, từ nay đến cuối năm, sẽ xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020; trong đó khả năng sẽ có 1 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Nam bộ.
Xây dựng giải pháp cụ thể
Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết công tác PCTT là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và được thực hiện thường xuyên. Thời gian qua, tỉnh đã được Chính phủ, các bộ ngành liên quan cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm và nhận được sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong việc triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, khả quan. Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đã chủ động rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kế hoạch, phương án PCTT hàng năm phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, cấp huyện, thị, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn đã có các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai; hàng năm có rà soát điều chỉnh bổ sung phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Cùng với đó, công tác bảo đảm an toàn dân cư và sản xuất được chú trọng; các công trình PCTT thường xuyên được kiểm định, kiểm tra. Công trình thủy lợi được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, nạo vét và mở rộng, phục vụ tiêu thoát nước trước mùa mưa, bão.
Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị và chủ động trong công tác PCTT của tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan và khó lường, đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường công tác PCTT theo định hướng chung của Ban Chỉ đạo Trung ương. Tỉnh không được chủ quan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; tập huấn kỹ năng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ xung kích trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai; kiểm tra, phổ biến, giám sát kịp thời trong công tác PCTT. Đồng thời, tỉnh tiếp tục nâng cấp công nghệ cảnh báo rủi ro để gia tăng hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo diễn biến thời tiết thiên tai. Về các kiến nghị của tỉnh, đoàn kiểm tra tiếp thu và sẽ tham mưu cấp thẩm quyền xử lý trong thời gian tới. |
Do biến đổi khí hậu toàn cầu, dự báo tình hình thiên tai năm 2020 diễn biến hầu như không theo quy luật. Tỉnh đã có định hướng xây dựng kế hoạch PCTT giai đoạn 2021- 2026, nhằm bảo vệ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Theo đó, có các nội dung trọng tâm là kịp thời ứng phó, khắc phục khẩn trương khi có thiên tai xảy ra; các cấp, các ngành, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, phương án PCTT và Tìm kiếm cứu nạn của cấp mình, ngành mình phù hợp với tình hình thực tế; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khí hậu thủy văn; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo; tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT; xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro trong thiên tai; công tác PCTT theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại. Khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, di dời sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiến nghị đoàn kiểm tra quan tâm hỗ trợ vốn ODA cho tỉnh triển khai đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình PCTT trọng điểm như cống kiểm soát triều cường; sửa chữa nâng cấp các tuyến đê bao; dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; dự án cải thiện môi trường nước. Đồng thời, ông Mai Hùng Dũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo PCTT tỉnh tiếp thu các ý kiến của đoàn kiểm tra để có những định hướng, giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
THOẠI PHƯƠNG