Từ đầu năm đến nay lượng mưa ở Bình Dương cao hơn 182% so với năm 2016. Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Dương cho biết, tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy các địa phương cần chủ động đối phó mưa và triều cường.
Cảnh ngập lụt tại khu vực phường An Thạnh, TX.Thuận An trong đợt mưa kỷ lục vào tháng 10-2016. Ảnh: XUÂN VĨ
Một số nhà dân, diện tích cây trồng bị thiệt hại
Trong những tháng đầu năm 2017, tình hình thời tiết thất thường đã gây thiệt hại gần 400 triệu đồng cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh; trong đó có 42 ngôi nhà bị tốc mái, 13 ha lúa mới gieo và 30 ha cao su bị ngập, một số khu vực ven sông Bé, sông Thị Tính, sông Sài Gòn bị sạt lở đê bao.
Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, diễn biến thất thường của thời tiết đã gây những thiệt hại cho người dân. Bà con cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để có biện pháp chủ động đối phó với mưa lũ năm nay. Khi có thời tiết thất thường, Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Dương sẽ thông báo ngay về Chi cục Thủy lợi, để chi cục gửi thông báo liền đến các địa phương. Đối với hồ Dầu Tiếng, khi xả lũ trước 3 ngày; hồ Trị An, khi xả lũ trước 1 ngày sẽ thông báo về chi cục để nhanh chóng thông báo đến các địa phương ở vùng hạ các lưu sông.
Ông Lê Cảnh Dần, Phó trưởng Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, để chủ động đối phó với thời tiết thất thường, ngay từ đầu năm các cơ quan chức năng đã thường xuyên kiểm tra tuyến đê bao, bờ bao tại các khu vực ven sông; đồng thời theo dõi sát diễn biến mực nước hồ Dầu Tiếng; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi hồ tăng lưu lượng xả gây ngập lụt. Ban chỉ huy đã đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý công trình theo phân cấp thực hiện kiểm tra đầy đủ, đúng định kỳ trước, trong và sau mùa mưa lũ đối với các công trình thủy lợi, đặc biệt là các công trình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết thêm, Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2016-2020 đang được triển khai tại các địa phương trong tỉnh nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản để ứng phó kịp thời trước thời tiết cực đoan.
Tăng cường gia cố bờ bao
Ông Thìn cho hay, năm 2016, 2 đợt mưa lớn kỷ lục vào tháng 9 và tháng 10 đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh. Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn phòng, tránh thiên tai đang được ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh tại cộng đồng. Không những chủ động đối phó mưa lũ, triều cường, người dân cần có biện pháp ứng phó với giông, lốc xoáy, mưa đá… hiệu quả để giảm tối đa thiệt hại.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3956/UBND-KTN về việc tập trung triển khai một số nhiệm vụ trong mùa mưa bão 2017. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức rà soát, kiểm tra các công trình phòng chống thiên tai và các công trình thoát nước để kịp thời gia cố, khai thông dòng chảy hệ thống thoát nước; trong đó ưu tiên tại những điểm thường xuyên xảy ra ngập khi có mưa lớn kéo dài. UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND huyện, thị, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chế độ trực ban phòng chống thiên tai theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với ban quản lý các hồ chứa quốc gia và Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Dương để nắm tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai, bão lũ để kịp thời thông báo tới các địa phương và nhân dân để biết nhằm tổ chức phòng, chống có hiệu quả.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần thường xuyên kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao ven sông Sài Gòn, sông Thị Tính, sông Đồng Nai...; theo dõi mực nước sông trong thời gian hồ Dầu Tiếng xả tràn hạ thấp mực nước hồ. Đồng thời, các đơn vị cần chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi các hồ chứa nước tăng lưu lượng xả, đặc biệt trong các ngày có kết hợp mưa lớn và triều cường.
XUÂN VĨ