Cùng với phát triển kinh tế, Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức trong công tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước và môi trường, đó là tình trạng ô nhiễm nước mặn, ô nhiễm và hạ thấp mực nước của một số tầng chứa nước. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có những chính sách, giải pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Trong ảnh: Người dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt
Triển khai nhiều giải pháp
Nguồn nước, năng lượng, nông nghiệp và khí hậu luôn có mối quan hệ khăng khít. Khi khí hậu biến đổi theo chiều hướng xấu sẽ dẫn đến sự đi xuống trong chất lượng của các yếu tố khác, đặc biệt là nguồn nước.
Thực tế vị trí địa lý của Bình Dương tương đối thuận lợi, nằm trong vùng trung hạ du của hệ thống sông Đồng Nai, có nguồn nước mạch tương đối dồi dào, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 5 tầng chứa nước lỗ hổng, 1 tầng chứa nước khe nứt. Các tầng chứa nước này được kiểm soát quản lý cơ bản không bị suy thoái cạn kiệt như ở các vùng Tây nguyên hay các vùng khác nên mặn không xâm nhập vào sâu được đất liền. Bên cạnh đó, nguồn nước được cung cấp là nước sông lên tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những vấn đề về biến đổi ảnh hưởng khí hậu rất lâu dài, do đó tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau khi có kế hoạch, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai thực hiện. Sau kế hoạch này, khi có Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 68-CT/TU ngày 14-8-2013; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 50 nhằm bổ sung hoàn chỉnh Kế hoạch 3453 mà UBND tỉnh đã ban hành trước đây. Hiện nay, Bình Dương đang triển khai thực hiện Chương trình số 68 và Kế hoạch số 50.
Ngoài ra, trong công tác quản lý tài nguyên nước, UBND tỉnh đã và đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các đề án mang tính chất cơ bản về tài nguyên nước, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước, bao gồm cả nước mặn, nước dưới đất... tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách, các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm khai thác sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững; kiểm soát các nguồn nước mặn bằng hệ thống quan trắc được tự động hóa để kiểm soát các nguồn nhiễm có nguy cơ xảy ra; quản lý chặt chẽ các nguồn xả thải, đặc biệt là nguồn xả thải lớn để bảo đảm chất lượng nguồn nước mạch đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Về nước dưới đất, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện các đề án đánh giá ô nhiễm tầng chứa nước nông, qua đó đưa ra các giải pháp phù hợp để hạn chế các hoạt động đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp hạn chế nguồn gây ô nhiễm xuống đất. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị định 167 của Chính phủ, khoanh định vùng để hạn chế nguồn suy thoái nước dưới đất, không để cạn kiệt. Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo Nghị định 43 của Chính phủ. Hiện tại, các địa phương đang triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh.
Nâng cao nhận thức người dân
Những giải pháp, chính sách của tỉnh đã mang lại kết quả nhất định trong công tác bảo vệ nguồn nước, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước dưới đất.
Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và thiết bị thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trong vùng cấm, vùng hạn chế khu vực phía Nam và trên địa bàn toàn tỉnh. Qua quá tình triển khai, một số tầng chứa nước ở khu vực trước đây có nguy cơ bị suy thoái cạn kiệt, đến nay đang có dấu hiệu phục hồi và cải thiện. Tới đây tỉnh tiếp tục thực hiện những chính sách này để những tầng chứa nước sẽ được phục hồi”.
Ông Lê Văn Tân cho biết thêm: “Tài nguyên nước rất quan trọng trong đời sống xã hội, tuy nhiên nhận thức của người dân còn hạn chế. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác định rõ và chỉ đạo tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm mục đích bảo vệ tài nguyên nước. Hàng năm, sở đều tổ chức tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật đối với người dân và doanh nghiệp”.
Thực hiện chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, thời gian qua doanh nghiệp khai thác tài nguyên nước dưới đất đã giảm dần. Trước đây một số khu vực có mực nước dưới đất hạ thấp thì đến nay đang dần hồi phục. Bên cạnh đó công tác trám, lấp giếng hư hỏng, không sử dụng cũng được các địa phương triển khai thực hiện tốt. Từ năm 2019 đến nay, các địa phương đã vận động trám lấp được trên 4.800 miệng giếng hư hỏng không sử dụng, đã góp phần ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước dưới đất và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện bổ sung các công trình quan trắc để hoàn thiện mạng lưới quan trắc nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, giám sát chặt chẽ các nguồn nước dưới đất, kịp thời cảnh báo, dự báo các nguồn nước trong điều kiện ảnh hưởng của BĐKH.
Hưởng ứng Ngày nước thế giới 22-3 Ngày Nước thế giới được tổ chức vào 22-3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nguồn nước trên toàn thế giới. Chủ đề Ngày nước thế giới năm 2020 là “Nước và Biến đổi khí hậu”, hướng đến nghiên cứu những cách thức và những thay đổi của tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu cũng như mối liên kết chặt chẽ của hai yếu tố này. Hưởng ứng Ngày nước thế giới, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện. Sở đã triển khai nhiều hoạt động như treo băng rôn, cờ trên các tuyến phố chính của TP.Thủ Dầu Một, ở những khu vực đông người nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong hoạt động khai thác, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. |
PHƯƠNG LÊ