TP.Dĩ An là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh của tỉnh Bình Dương, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp. Nhiều năm qua, thành phố đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp đô thị, làm gia tăng giá trị sản phẩm trên một diện tích đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình dưa lưới nhà màng ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Mạnh Hùng, phường Bình An
Sự chuyển đổi hiệu quả đã góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu mảng xanh của thành phố, kết nối con người với thiên nhiên. Từ chỗ bị thu hẹp dần diện tích đất nông nghiệp để đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ và công nghiệp nhằm hướng đến một môi trường sống năng động, hiện đại hơn, người nông dân Dĩ An phải suy nghĩ và đi đến việc lựa chọn, chuyển hướng sang đầu tư, kinh doanh sản xuất những loại cây trồng, vật nuôi vừa có thể bảo đảm được cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường, vừa ít cần diện tích đất mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt… đã được nông dân thành phố ứng dụng. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị của TP.Dĩ An đã có bước phát triển mạnh, như: Mô hình trồng lan cắt cành, bon sai cây kiểng, mô hình dưa lưới công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng nấm, trồng rau nhà kính, nuôi cấy đông trùng hạ thảo, nuôi lươn không bùn, nuôi dế, nuôi ba ba…
Trên diện tích hơn 2.000m2, năm 2023 ông Nguyễn Mạnh Hùng, hội viên Hội Nông dân phường Bình An đã đầu tư số vốn hơn 1 tỷ đồng để làm mô hình dưa lưới nhà màng ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chia sẻ: “Dưa lưới được đầu tư trong nhà màng giúp ngăn tia UV; ngăn mưa, cản gió, chống lại côn trùng gây hại. Để bảo đảm dưa phát triển đồng đều, nguồn nước và phân bón được tôi sử dụng hệ thống phun tưới nhỏ giọt; qua đó giúp giảm chi phí, thời gian chăm sóc cây, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm. Các trái dưa đều cho chất lượng tốt, bình quân từ 2,2-2,5kg/trái khi thu hoạch. Đến nay, vườn dưa này bình quân cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm”.
Trong thời gian tới, nhà vườn sẽ mở rộng phát triển mô hình trồng các loại sản phẩm rau, củ sạch, đồng thời phát triển cây giống bằng phương pháp cấy mô tế bào thực vật. Ngoài việc ứng dụng trồng dưa lưới, hiện nhà vườn còn tổ chức học sinh, sinh viên tham quan trải nghiệm nhiều kiến thức thực tế về mô hình nông nghiệp đô thị tại địa phương.
Ông Trần Anh Hào, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình An, chia sẻ mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Mạnh Hùng phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị hiện nay. Đây cũng là mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao điển hình của phường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phát huy những kết quả đạt được, để tiếp tục thúc đẩy nền nông nghiệp của TP.Dĩ An phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị, thời gian tới thành phố sẽ đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tạo điều kiện để nông dân vay vốn, nhân rộng các mô hình sản xuất, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị xanh, bền vững, góp phần mang đến một diện mạo tươi mới cho ngành nông nghiệp địa phương.
PHƯƠNG AN