Chung tay bảo vệ hạ tầng ven sông

Cập nhật: 20-11-2024 | 09:18:29

Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng luôn chú trọng tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức bảo vệ hạ tầng ven sông, hồ, kênh rạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra chất lượng các công trình nhằm kịp thời phát hiện hư hỏng để nâng cp, sửa chữa phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 Cán bộ xã Thanh An và đơn vị quản lý vận hành công trình hồ Cần Nôm kiểm tra hệ thống cống xả lũ

 Người dân góp sức

Huyện Dầu Tiếng có thị trấn Dầu Tiếng, các xã Thanh An, Thanh Tuyền, Định Thành nằm ven sông Sài Gòn. Các địa phương này thường bị ảnh hưởng bởi các đợt xả lũ từ hồ Dầu Tiếng. Do đó, việc bảo vệ các công trình hạ tầng ven sông là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần bảo vệ chất lượng nguồn nước kênh mương, ao hồ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giảm thiểu nguy cơ ngập úng.

Trên địa bàn xã Thanh An còn có hồ Cần Nôm. Công trình thủy lợi hồ Cần Nôm có 1 kênh tưới chính và 1 cống xả lũ. Hành lang kênh mương được thiết kế 2m theo quy định để bảo vệ nguồn nước, bảo đảm thông thoáng cho dòng chảy và phòng chống thiên tai. Ông Bùi Đức Kế, Trưởng ban Điều hành ấp Thanh Tân, xã Thanh An, cho biết một phần hồ Cần Nôm nằm trên địa bàn ấp Thanh Tân. Toàn ấp có hơn 40 hộ dân, sống bằng nghề nông và đánh bắt thủy sản, nên gắn bó chặt chẽ với hệ thống hồ, kênh mương. Nhận thức được tầm quan trọng của công trình này, Ban điều hành ấp tích cực vận động người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, như thường xuyên ra quân làm sạch kênh mương, dọn dẹp vệ sinh ven hồ.

Ông Phạm Kiều Phong, người dân sinh sống gần hồ Cần Nôm, chia sẻ: “Gia đình tôi luôn chấp hành nghiêm quy định về hành lang kênh mương, bảo vệ môi trường. Tôi cũng thường xuyên vận động người dân nơi đây không lấn chiếm công trình, giữ vệ sinh chung, không vứt rác xuống kênh, cống để bảo đảm dòng chảy thông suốt. Tôi luôn ý thức rằng công trình được nhà nước đầu tư, người dân cần có trách nhiệm chung tay gìn giữ, bảo vệ”. Ông Phong cho biết thêm trước năm 2018, mỗi khi mưa lớn nước từ hồ Cần Nôm thường chảy vào nhà dân do hệ thống thoát nước quá tải. Từ khi công trình xả lũ được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng (năm 2019), tình trạng này đã được cải thiện đáng kể, người dân an tâm hơn.

Ông Đặng Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết trên địa bàn xã hiện có 2 công trình thủy lợi đang hoạt động hiệu quả, gồm công trình thủy lợi hồ Cần Nôm do Chi cục Thủy lợi quản lý, phục vụ tiêu nước khu vực các ấp Bến Tranh, Cần Giăng, Cỏ Trách, bàu Cây Cám và trạm bơm Bến Trống do UBND huyện Dầu Tiếng quản lý, phục vụ tưới tiêu cho ấp Bến Chùa. Các công trình thường xuyên được kiểm tra chất lượng, kịp thời duy tu, nâng cấp bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu tưới và tiêu nước trên địa bàn. Ngoài ra, hệ thống suối, rạch (như suối Bàu Gấu, rạch Khe Long, rạch Mương Khai…) được huyện Dầu Tiếng đầu tư nạo vét hàng năm, bảo đảm thông thoáng, tiêu nước hiệu quả.

Đầu tư mới, sửa chữa nhiều công trình

Huyện Dầu Tiếng có hệ thống sông ngòi phong phú, cụ thể là có sông Sài Gòn, sông Thị Tính chảy qua; bên cạnh đó là các hồ chứa nước lớn như hồ Dầu Tiếng, hồ Cần Nôm cùng mạng lưới kênh mương, trạm bơm, cống điều tiết để tận dụng tối đa nguồn nước từ sông, hồ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết để chủ động việc tưới và tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu dân sinh, UBND huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là công trình hồ chứa nước, đê bao, tiêu thoát nước, nhằm kịp thời phát hiện hư hỏng, khẩn trương sửa chữa bảo đảm an toàn công trình và chống ngập úng hiệu quả khi xảy ra mưa lũ, triều cường. Hàng năm, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai nạo vét, khai thông các rạch, suối trên địa bàn để khắc phục ngập úng, phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các xã ven sông Sài Gòn.

Cụ thể, năm 2023 huyện Dầu Tiếng đã triển khai thi công và nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình nạo vét, khai thông dòng chảy rạch Kinh, rạch Sẻo Sậy, rạch Mương tại xã Thanh Tuyền và công trình nạo vét, khai thông dòng chảy rạch Khe Long, Rạch Bắp, nhánh Suối Tre 1, nhánh Suối Tre 2 tại xã Thanh An, với chiều dài 3km, bảo đảm việc tiêu, tưới nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 2024, huyện triển khai đầu tư công trình nạo vét khai thông công trình suối Dứa, thị trấn Dầu Tiếng. Huyện cũng phối hợp với các xã Thanh An, Long Tân, Long Hòa, thị trấn Dầu Tiếng và các cơ quan liên quan kiểm tra hiện trạng hư hỏng, lập kế hoạch sửa chữa các công trình trên địa bàn huyện theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 Ông Đặng Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Thanh An: Bảo vệ hạ tầng ven sông, hồ là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, xã Thanh An thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra tình trạng các công trình, khơi thông dòng chảy, tuyên truyền người dân không lấn chiếm công trình. Khi phát hiện trường hợp lấn chiếm, xã sẽ vận động người dân tháo dỡ công trình vi phạm, nếu không chấp hành sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 TIẾN HẠNH - HOÀNG PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=90
Quay lên trên