Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Nâng tầm nông sản địa phương

Cập nhật: 15-12-2023 | 08:30:52

 Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh sau 5 năm triển khai đã đạt được những “trái ngọt đầu mùa”. Với 103 sản phẩm được công nhận từ 3 sao đến 4 sao, nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống và ngành nghề nông thôn được khơi dậy, người dân hiểu được giá trị, chủ động, tích cực tham gia, nhiều nông sản địa phương được nâng tầm, vươn ra thị trường trong nước và thế giới.

 Sản phẩm OCOP tham gia tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa và hội chợ công thương vùng Đông Nam bộ năm 2023

 Cơ hội mở rộng thị trường

Với việc bưởi được chọn làm sản phẩm OCOP, bà con nông dân kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho người trồng bưởi. Ông Nguyễn Minh Sang ở xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết không biết cây bưởi có từ lúc nào, chỉ nghe qua lời kể của ông bà rằng vào những năm đầu thế kỷ XIX, thấy đất đai ở đây khá màu mỡ do phù sa của dòng sông Đồng Nai bồi đắp, từ đó, nhiều người đổ về khai hoang, lập nghiệp và đưa nhiều giống cây ăn trái về đây trồng. Những năm gần đây bưởi liên tục được mùa, được giá, nhiều gia đình đã khá lên nhờ bưởi.

Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết trước đây đa số bà con canh tác theo hướng tự phát, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán không được cao. Qua nhiều năm, bà con đã rút ra được kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc bưởi theo hướng VietGAP, sản phẩm làm ra được thương lái săn đón, giá lại ổn định. “Chúng tôi kỳ vọng vào chương trình OCOP sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho HTX và người dân địa phương trong việc quảng bá thương hiệu, nhất là cơ hội để tiếp cận thêm nhiều đầu ra và mở rộng thị trường. Ngoài việc hướng đến sản xuất hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, các thành viên trong HTX sẽ cùng nông dân tiếp tục nỗ lực đưa trái bưởi sạch của Bình Dương đi xa hơn bằng việc mở rộng các kênh tiêu thụ bền vững và hướng đến vùng quy hoạch chuyên canh đặc sản bưởi ở địa phương”, ông Trịnh Minh Thành cho biết thêm.

Qua triển khai thực hiện chương trình OCOP của tỉnh cho thấy các HTX, doanh nghiệp, cá nhân đều xác định làm OCOP là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo dựng thương hiệu, ghi dấu ấn tại các thị trường lớn trong nước và mục tiêu xa hơn là xuất khẩu. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho biết việc tham gia chương trình là rất cần thiết. Bởi các mặt hàng của HTX khi được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương sẽ có thương hiệu, được tham gia hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, không chỉ có chỗ đứng trên thị trường trong nước, khu vực mà còn có cơ hội mở rộng sang thị trường nước ngoài.

Thúc đẩy kinh tế nông thôn

Chương trình OCOP luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Lãnh đạo tỉnh nhiều lần đi cơ sở, cùng địa phương định hướng sản phẩm chủ lực, khai thác, động viên, khích lệ các chủ thể phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương thành sản phẩm OCOP. Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành một số nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Để khuyến khích, hỗ trợ sản phẩm OCOP, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, quyết định về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, trong đó quy định cụ thể mức hỗ trợ, thưởng cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể định hướng phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng quy trình sản phẩm, cung cấp các thông tin ra thị trường, hỗ trợ các chủ thể thông qua các chính sách. Cùng với đó là sự nỗ lực đổi mới tư duy sản xuất của các chủ thể, triển khai thực hiện khá hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, góp phần vào thực hiện nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí nông thôn mới.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết OCOP là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới của tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Hiện chương trình đã và đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

“OCOP là một chương trình lâu dài đi liền với xây dựng nông thôn mới. Với tiềm lực và trí tuệ của người dân, tiềm năng để phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc hữu trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng nhiều. Việc các sản phẩm càng phát triển đi liền với đời sống người dân, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chương trình sẽ thực sự thành công khi phát huy được sức mạnh của cộng đồng”, ông Phạm Văn Bông cho biết thêm.

 Bình Dương vừa tổ chức thành công chương trình kết nối cung cầu hàng hóa và hội chợ công thương vùng Đông Nam bộ năm 2023 nhằm kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh. Tỉnh chỉ đạo thúc đẩy liên kết trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn liền với thị trường tiêu thụ, khuyến khích các tổ chức kinh tế, cá nhân phát triển sản xuất nông sản có tiềm năng lợi thế của địa phương.

 THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên