Chụp ảnh “tự sướng” trên cầu, hiểm nguy rình rập!

Cập nhật: 25-11-2017 | 06:28:23

 Từ sáng sớm, nhiều bạn trẻ đã trèo lên những nhịp cầu cao chót vót hàng chục mét để chạy nhảy rồi quay phim, chụp ảnh, hoặc treo mình lơ lửng bên thành cầu nô đùa hết sức nguy hiểm. Những ngày cuối tuần, các bạn trẻ tìm về đây ngày một đông, có người đã mất mạng vì sẩy chân rớt sông chỉ vì muốn có những tấm ảnh đẹp để khoe với bạn…

Những cái chết không báo trước!

Thời gian gần đây, trên những trang mạng xã hội như facebook, zalo, Instagram… liên tục xuất hiện những đoạn video, hình ảnh “tự sướng” mà các bạn trẻ đến vui chơi tại cầu gãy (cầu sông Bé), nối liền giữa hai địa phương xã Vĩnh Hòa và Phước Hòa, huyện Phú Giáo. Bên cạnh những bức ảnh rất đẹp về phong cảnh nơi đây, ai cũng dễ nhận ra một mối nguy hiểm đi kèm. Bởi muốn có ảnh đẹp, độc, lạ… các bạn trẻ bất chấp hiểm nguy để treo mình bên hành lang của cây cầu, hay trèo lên những nhịp cầu cao chót vót (khoảng 40m, tính từ mép nước sông) để chạy, nhảy và ghi hình. Cũng có bạn bám tay vào nhịp cầu rồi thả ngửa mình ra sông để chứng minh cho sự liều lĩnh và mạo hiểm.

Những kiểu “tự sướng” nguy hiểm khi đến vui chơi ở cầu gãy

Thế nhưng, các bạn đã quên một điều, chỉ cần sơ sẩy là lập tức rớt xuống sông và mất mạng. Một số người dân địa phương cho rằng người lạ không hiểu hết những nguy hiểm của dòng sông này. Ông Lê Văn Long, một người dân địa phương cho biết: “Nước sông ở đây chảy xiết, có nơi lại cuộn xoáy. Nếu ở độ cao khoảng 30m rơi xuống cầu thì dù có bơi giỏi cũng khó thoát ra khỏi vũng nước xoáy. Hơn nữa, bên dưới có rất nhiều tảng đá lớn, khi nước cạn thì đá nhô lên lởm chởm như những bàn chông. Như thế, khi đã rơi xuống sông cũng đồng nghĩa với mất mạng”.

Thực tế thì việc các bạn trẻ đến đây vui chơi, chụp ảnh và bất cẩn rớt xuống sông đã xảy ra. Theo người dân địa phương, cách đây chừng 2 năm, một học sinh cấp II tên N.T.H. khi đến đây vui chơi với các bạn đã bị lọt xuống lỗ thủng bên hành lang cầu và rơi xuống sông. Cái chết của H. để lại nhiều đau thương cho gia đình, bạn bè và cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đến đây mà bất cẩn.

Gần đây nhất là cái chết của một thanh niên tên T.H.P., ở xã Phước Sang, huyện Phú Giáo. Người dân ở sát chân cầu thuộc địa phận xã Vĩnh Hòa cho biết, trời chập choạng tối thì có một nhóm thanh niên đến cầu mang theo bia bày ra ăn nhậu. Khi cuộc vui gần tàn thì xảy ra lời thách đố giữa P. và nhóm bạn đi cùng. P. liều lĩnh thực hiện cú nhảy từ mép cầu gãy xuống sông Bé với độ cao khoảng 40m. Lúc P. chuẩn bị nhảy, nhóm bạn đã men theo lối bậc thang ở chân cầu xuống mép sông để chuẩn bị kéo P. vào. Tuy nhiên, không ai ngờ cú nhảy định mệnh ấy đã cướp đi sinh mạng của P. ngay lập tức. Theo lời kể của người dân, qua khám nghiệm tử thi, cơ thể P. không bị đập vào đá, nhưng do nhảy không đúng tư thế nên phần bụng bị đập xuống nước, gây đa chấn thương dẫn đến tử vong.

Cần quản lý chặt

Hình ảnh “cây cầu gãy sông Bé” xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng và nhiều người tỏ ra thích thú với những góc máy “bắt mắt”. Theo nhiều bạn trẻ, đây không chỉ là điểm vui chơi gây tò mò mà còn là một di tích lịch sử nên được nhiều người gần, xa trong và ngoài tỉnh biết và tìm đến. Không ít đoàn làm phim cũng đã tìm đến cây cầu lịch sử này để ghi hình, dựng cảnh như phim Tèo Em, phim Đẻ mướn… Khi các phim được công chiếu càng làm cho giới trẻ tò mò về hình ảnh cây cầu.

Lỗ thủng trên mép cầu bị cỏ che khuất rất nguy hiểm cho các bạn trẻ

Ông Long, một cư dân ở khu vực này cho biết: “Nếu ngày trước, thứ bảy hay chủ nhật mới có người tìm đến tham quan cây cầu, nay thì ngày nào cũng có người đến. Mỗi ngày ít nhất cũng có hàng trăm lượt khách”. Gần đây không ít cặp đôi cũng tìm đến cây cầu để chụp ảnh cưới. Theo tâm sự của các cặp đôi này, chụp ảnh ở cây cầu không chỉ đẹp mà còn ý nghĩa về mặt lịch sử”.

Một cây cầu có ý nghĩa về mặt lịch sử, thu hút được nhiều người, nhất là thế hệ trẻ tìm đến tham quan là điều tốt. Tuy nhiên, những mối nguy luôn rình rập ở đây thì chính quyền địa phương cần phải cảnh báo cho người dân biết. Theo ghi nhận của P.V, nếu ở khu vực cầu gãy thuộc địa phận xã Vĩnh Hòa được lập hàng rào nhằm hạn chế các phương tiện lên cầu để giảm bớt hiểm nguy thì phía khu vực chân cầu ở xã Phước Hòa lại trống trơn. Khi đến đây, các bạn trẻ vô tư đưa xe lên cầu để nô đùa. Đặc biệt là lan can của cầu đã bị gãy, xuất hiện các lỗ thủng lớn nên khi các bạn trẻ đến đây mải mê chụp ảnh hay bất cẩn, có thể gặp hiểm nguy bất cứ lúc nào. Tại đây cũng xuất hiện nhiều rác thải. Theo người dân, vì khu vực này khá hẻo lánh vào ban đêm nên có không ít đối tượng là con nghiện tấp xe vào tụ tập hút chích. Đã có người vì buồn chuyện gia đình hay gặp áp lực trong cuộc sống tìm đến cầu để tự vẫn.

Trao đổi với P.V về việc quản lý an ninh trật tự tại khu vực cầu gãy cũng như hạn chế những nguy hiểm khi các bạn trẻ đến đây vui chơi, tham quan, ông Lê Hoàng Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết: “Việc ngày càng có nhiều bạn trẻ đến đây vui chơi, chụp hình kèm theo đó là những mối nguy hiểm khiến địa phương hết sức quan tâm. Thời gian qua, UBND xã Vĩnh Hòa đã xin phép UBND huyện Phú Giáo lập hàng rào ngay chân cầu nhằm hạn chế các phương tiện đi trên cầu, nhưng không thể rào bít lối đi bởi đây là di tích lịch sử thì không thể cấm người dân đến tham quan, tìm hiểu”.

“Riêng vấn đề bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực này, chính quyền địa phương luôn cử người theo dõi, giám sát, nếu phát hiện thanh niên tụ tập thành nhóm để ăn nhậu, vui chơi quá 21 giờ, UBND xã Vĩnh Hòa sẽ cho lực lượng xuống giải tán ngay. Chúng tôi sẽ tiếp tục xin ý kiến các cấp để quản lý tốt hơn việc người dân đến tham quan, vui chơi tại đây trong thời gian tới”, ông Toàn cho biết.

Di tích cầu sông Bé: Cầu được bắc qua sông Bé nối liền hai xã Vĩnh Hòa và Phước Hòa (Phú Giáo), do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1925. Trên cây cầu đã có lúc biến thành đoạn đầu đài, nơi để tra tấn, đánh đập những người yêu nước; những nhịp bê tông hóa thành cọc xử bắn nhiều đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cách mạng. Cũng chính nơi đây vào chiều ngày 29- 4-1975, chế độ Mỹ - ngụy buộc phải đánh sập cây cầu để rút chạy. Cầu sông Bé trở thành chứng nhân lịch sử của một thời đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta tại chiến trường Đông Nam bộ. Cầu Sông Bé đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

QUANG TÁM - HƯNG PHƯỚC

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1047
Quay lên trên