Chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris được cho là nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực có tầm quan trọng chiến lược này. Chuyến đi lần này của bà Harris được cho là biểu hiện cấp cao nhất về cam kết “ở lại Đông Nam Á” của Nhà Trắng.
Chuyến đi của bà Harris diễn ra trong bối cảnh có nhiều câu hỏi đặt ra về sự tương xứng giữa lời nói và việc làm của nước Mỹ đối với cái gọi là ‘’ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ” đối với khu vực Đông Nam Á. Bằng cách cử Phó Tổng thống đến khu vực này, Washington hy vọng sẽ hàn gắn và nâng cấp mối quan hệ của mình với các nước Đông Nam Á có vai trò quan trọng trong chiến lược xoay trục châu Á - Thái Bình Dương mà họ đang theo đuổi.
Bà Harris đã nhấn mạnh quyền tự do hàng hải ở Đông Nam Á và phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại Việt Nam, bà gọi các yêu sách chủ quyền biển của Trung Quốc là “hành vi bắt nạt”. Tại Singapore, ngoài việc ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và chú trọng vào tự do hàng hải, bà còn đề xuất các lĩnh vực hợp tác mới. Mặc dù tất cả các sáng kiến này đều mang tính song phương - nghĩa là giữa Mỹ và Singapore chứ không liên quan đến các nước khác trong khu vực - nhưng chúng cũng làm sáng tỏ chương trình nghị sự về chính sách Đông Nam Á của chính quyền ông Biden hiện nay.
Chuyến đi của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Đông Nam Á vừa qua gây sự chú ý đặc biệt.
Singapore có vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, bởi vậy nước này luôn được coi là bàn đạp của các cường quốc khi họ có ý định can dự vào khu vực. Và việc bà Harris chọn Singapore trong chuyến công du lần này cũng là một cách thể hiện cho thấy Mỹ và Singapore có thể hợp tác với nhau để đạt được hòa bình và sự ổn định ở khu vực nói chung. Do đó mà thỏa thuận giữa Mỹ và Singapore sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với khu vực.
Mỹ và Singapore có thể cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu bằng cách khởi động Quan hệ đối tác về khí hậu. Trong cuộc họp báo tại đây, bà Harris cũng đề cập đến việc đặt trọng tâm vào hợp tác tài chính bền vững. An ninh mạng cũng là một lĩnh vực khác mà quan hệ đối tác Mỹ - Singapore đang tìm cách mở rộng. Hai bên đã ký kết 3 hiệp định song phương về các vấn đề an ninh mạng. Thứ ba, Mỹ và Singapore sẽ hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt bằng cách khởi động Quan hệ đối tác Mỹ - Singapore vì tăng trưởng và đổi mới sáng tạo và Đối thoại Mỹ - Singapore về chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là cả hai bên đều cam kết tăng cường nỗ lực chung trong việc thúc đẩy an ninh y tế, đặc biệt là chú trọng vào công tác giám sát dịch bệnh và nghiên cứu lâm sàng.
Bởi vậy, chuyến thăm của bà Kamala Harris và quan hệ đối tác được đề xuất trong lĩnh vực an ninh hàng hải truyền thống và các lĩnh vực mới được cho là đã giúp tái khẳng định và trấn an các nước Đông Nam Á về sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này. Nó cũng làm rõ thêm phần nào chương trình nghị sự về Đông Nam Á của chính quyền ông Biden.
Tuy nhiên, Mỹ cũng phải đối mặt với những khó khăn trong việc giải quyết nhiều mối quan ngại khác nhau từ các quốc gia đồng minh ở Đông Nam Á. Một trong số đó là Mỹ sẽ duy trì cam kết của mình đối với “vai trò trung tâm ASEAN” như thế nào, đặc biệt là khi nước này đang hoạt động tích cực trong Bộ tứ. Trong cuộc thảo luận sau bài phát biểu chính sách của bà Harris tại công viên Gardens by the Bay ở Singapore, các thành viên cấp cao trong đoàn Mỹ đã giải thích rằng mục đích của Bộ tứ là tìm kiếm các giải pháp. Bộ tứ bổ sung cho ASEAN và vài trò trung tâm của ASEAN cũng là lợi ích chung của Mỹ và các thành viên Bộ tứ khác. Tuy nhiên, những bằng chứng cụ thể và có tính thuyết phục lại không được đưa ra.
Một mối quan ngại khác là cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Giống như Phó Tổng thống Harris và các cộng sự của bà đã nhắc lại, Mỹ nhận thức rõ ràng và tôn trọng việc các quốc gia Đông Nam Á không muốn phải chọn phe. Tuy nhiên, trong chuyến thăm này, một mặt bà Harris ca ngơi quá trình đầu tư lâu dài và hành xử thiện chí của Mỹ trong khu vực nhưng mặt khác lại cáo buộc Trung Quốc về những hành động ép buộc và đe dọa trong khu vực. Sự tương phản đó khiến người ta không thể không đặt câu hỏi về chủ ý của nó trong mối quan hệ tổng thể hiện nay.
Kể cả những diễn biến gần đây ở Afghanistan cũng gây ra một mối quan ngại không hề nhỏ tới khu vực - về vai trò đáng tin cậy của đối tác Mỹ. Mọi cam kết đều có vẻ như trở nên kém giá trị nếu trên thực tế, nó luôn được đặt sau những lợi ích cụ thể. Ngoài ra, còn có những vấn đề khác như nhân quyền. Giữa Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á tồn tại sự khác biệt về giá trị. Cách Mỹ giải quyết vấn đề này sẽ có tác động sâu sắc đến mối quan hệ của họ đối với khu vực.
Cuối cùng, các cuộc gặp nội các thường xuyên của Mỹ với các đối tác Đông Nam Á trong thời gian gần đây và lời đề nghị đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 cho thấy Mỹ đã sẵn sàng “xoay trục” sang châu Á một lần nữa. Bên cạnh việc nhất quán ủng hộ hợp tác an ninh hàng hải truyền thống, Mỹ cũng lên kế hoạch tăng cường quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và an ninh y tế. Tuy nhiên, nếu chỉ là cam kết thì không thể giải quyết được vấn đề. Và tái can dự với Đông Nam Á không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Theo CAND