Cơ hội tăng thu nhập từ vịt siêu thịt

Cập nhật: 10-12-2020 | 08:15:52

 Tháng 10-2020, 10 nông hộ trên địa bàn 2 xã Tân Hiệp và Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo) tham gia dự án chăn nuôi vịt siêu thịt thương phẩm VSM6 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm (VIGOVA) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh triển khai. Dù mới thực hiện, nhưng dự án đã cho thấy tín hiệu lạc quan.

 Đàn vịt 4 tuần tuổi nằm nghỉ dưới những tán cây cao su

 Hỗ trợ 50% vốn

Triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt thương phẩm VSM6 an toàn hiệu quả” với mục tiêu giúp tăng cường hoạt động trao đổi thực phẩm sạch trong chuỗi cung ứng của tỉnh, đồng thời giới thiệu các dòng vịt siêu thịt thương phẩm mới phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi trong tỉnh. Ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, các kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành chăn nuôi của tỉnh đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể chính quyền địa phương thực hiện khảo sát điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và năng lực của nông hộ. Sau quá trình khảo sát, các đơn vị liên quan dự án đã chọn ra được 10 nông hộ trên địa bàn 2 xã Tân Hiệp và Vĩnh Hòa để triển khai. Ban quản lý dự án sẽ chuyển giao 8.500 con vịt giống siêu thịt thương phẩm VSM6 một ngày tuổi tới 10 nông hộ, toàn bộ con giống đều do phía VIGOVA cung cấp.

Ông Trịnh Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho rằng mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt là một hướng đi mới, có thể giúp nông dân gia tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Ông Dũng cho biết, sau khi nhận được thông tin về dự án VSM6 của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bình Dương và VIGOVA, Hội Nông dân huyện đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền tới hội viên, đồng thời tổ chức những buổi tham quan, học hỏi mô hình tại các nông hộ đang tham gia dự án.

Các nông hộ được kỹ sư nông nghiệp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh, được hỗ trợ chi phí thực hiện dự án gồm con giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, vắc-xin... với mức kinh phí tương ứng khoảng 28,3 triệu đồng/hộ. Trong thời gian con giống từ 0 - 3 tuần tuổi, các kỹ sư nông nghiệp sẽ thường xuyên có mặt tại nơi chăn nuôi vịt để theo dõi và hướng dẫn bà con nắm bắt chu kỳ phát triển sinh học, những đặc điểm cần lưu ý. Đến giai đoạn từ 4 tuần tuổi trở đi, khi các nông hộ đã nắm bắt được quy trình chăn nuôi và chủ động ghi chép, theo dõi cho đàn vịt của mình, ban quản lý dự án sẽ tổng hợp dữ liệu thông qua các công cụ kết nối, chia sẻ trực tuyến.

Mở hướng làm giàu

Việc tham gia dự án VSM6 không chỉ giúp các nông hộ trên địa bàn xã Tân Hiệp và Vĩnh Hòa được tiếp cận với mô hình, kỹ thuật chăn nuôi kiểu mới mà còn giúp mở lối tư duy hướng tới làm giàu cho gia đình và xã hội. Việc được hướng dẫn chi tiết các công đoạn, phương pháp chăm sóc, phòng trị bệnh cho giống vịt nói chung và vịt siêu thịt nói riêng cũng giúp bà con có thêm một nghề mới, có thể giúp gia tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình.

Tính đến đầu tháng 12-2020, với phương pháp chăn nuôi khoa học, nắm rõ đặc tính sinh học của vật nuôi, tổng đàn vịt của dự án không có sự thay đổi. Qua các đợt kiểm tra tình trạng sức khỏe và cân nặng của những con vịt mẫu được lựa chọn ngẫu nhiên, kết quả cho thấy đàn vịt của các nông hộ phát triển và tăng trọng tốt.

Kỹ sư nông nghiệp Huỳnh Thị Kim Châu, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bình Dương, cho biết nếu quy trình chăn nuôi đạt chuẩn, trong 7 - 8 tuần một con vịt tăng trưởng bình thường có thể đạt cân nặng từ 3 - 3,2kg. Với mức giá vịt siêu thịt trên thị trường hiện nay vào khoảng 60 - 65.000 đồng/kg, bà con nông dân có thể thu về từ 180 - 200.000 đồng/con. Sau khi khấu hao chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y, vắc-xin và chi phí nhân công, lợi nhuận thu về trên mỗi con vịt ước đạt khoảng 100 - 120.000 đồng.

Quan sát đàn vịt 6 tuần tuổi của mình đang nằm dưới những tán lá cao su, ông Nguyễn Minh Tiến, chủ nông hộ tham gia dự án tại xã Tân Hiệp tính toán, nếu mọi việc diễn ra bình thường, khoảng nửa tháng tới khi đàn vịt đủ trọng lượng, gia đình ông sẽ có thêm một khoản thu nhập dao động từ 90 - 100 triệu đồng. Với 3 nhân công của gia đình, tính trung bình mỗi tháng hộ ông Tiến có thể thu về 30 - 40 triệu đồng/ tháng, một nguồn thu khá cao đối với nghề nông.

 Để bà con nông dân trên địa bàn tỉnh yên tâm phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình kinh tế trang trại, thời gian qua, ngành nông nghiệp và hội nông dân các cấp đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc mở rộng kết nối, tìm kiếm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi thành công để đưa về ứng dụng thử nghiệm tại Bình Dương, đồng thời tích cực tìm đầu vào con giống, vật tư và đầu ra sản phẩm ổn định cho nông sản tỉnh. Ngành nông nghiệp cũng hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu nông sản sạch đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP mang tên Bình Dương.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=807
Quay lên trên