Có một mùa hè xanh “rực đỏ”

Cập nhật: 06-10-2021 | 09:04:25

 Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, Bình Dương trở thành “điểm nóng” dịch bệnh Covid-19 cả nước. Số ca nhiễm không ngừng tăng, mọi nguồn lực xã hội được huy động tối đa để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Trong đợt dịch bệnh này, trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một đã triển khai một mùa hè xanh đặc biệt, huy động sự tham gia của hơn 1.000 lượt cán bộ giảng viên, sinh viên thuộc nhiều đội hình “tác chiến” khác nhau để hỗ trợ tỉnh chống dịch.

 Cô Biện Ngọc Anh, giảng viên trường ĐH Thủ Dầu Một thuần thục trong thao tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân

 Kiên cường trên tuyến đầu

Triển khai đầu tiên và chiếm số lượng đông nhất là đội hình hỗ trợ thực địa. Hơn 500 tình nguyện viên của trường được phân công làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát y tế, phân luồng, hướng dẫn lưu thông; hỗ trợ an toàn phòng dịch tại các điểm tiêm vắc xin ngừa Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm; hỗ trợ đóng gói, phân phối quà tặng cho các hộ dân trong vùng phong tỏa... Đặc biệt, có những sinh viên tình nguyện trực 24/24 giờ tại các khu cách ly, hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc người bệnh. Có không ít khó khăn, trở ngại khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, các “chiến sĩ” vẫn quyết bám điểm, bám chốt.

Hơn hai tháng qua, sinh viên Đỗ Trọng Hiếu, ngành quản trị kinh doanh đã xung phong vào đội hình tình nguyện chống dịch của trường, sẵn sàng tiếp ứng khi có lệnh điều động, lúc hỗ trợ tiêm ngừa, nhập dữ liệu, khi thì giao thực phẩm... Từ tháng 8, Trọng Hiếu được phân công là trưởng nhóm phụ trách đội hình gồm 20 tình nguyện viên, phối hợp cùng các lực lượng chức năng tham gia các hoạt động chống dịch tại chốt phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một. Mỗi ngày công việc của Hiếu và các tình nguyện viên đều bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 18 giờ tối. “Từ trước đến giờ mỗi khi tham gia các chương trình tình nguyện, mình luôn có một cảm xúc rất đặc biệt, nhưng đây có lẽ là một mùa hè đáng nhớ nhất đối với bản thân. Thật sự tự hào khi được góp công sức của mình giúp ngăn chặn dịch bệnh, giúp đỡ cộng đồng và cũng là giúp đỡ chính bản thân sớm quay lại cuộc sống bình yên”, Hiếu bộc bạch.

Được xem là giảng viên “hoa khôi” của trường, nhưng nay cô Nguyễn Thị Bé Năm, Khoa Đào tạo kiến thức chung đã trở thành là một “chiến binh” thực thụ trên mặt trận lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít giữa thời tiết nắng nóng, mọi nhu cầu cá nhân đều phải tiết chế ở mức cao nhất, cô Năm vừa thoăn thoắt lấy mẫu vừa nhỏ nhẹ động viên, hướng dẫn người dân hợp tác. Có những thời điểm phải làm việc xuyên đêm, đôi bàn tay nhăn nhúm vì đeo bảo hộ quá lâu, nhưng tất cả những mệt mỏi đều dễ dàng tan biến khi ngày hôm đó số mẫu sàng lọc đều âm tính.

Cô Năm tâm sự, đã hơn hai tháng kể từ khi tham gia đội hình lấy mẫu cũng là từng ấy thời gian cô chưa về nhà. Vì tính chất công việc phức tạp, khả năng lây nhiễm cao lại đi sớm về khuya, nên cô đã chọn giải pháp dọn ra ở riêng. Mỗi ngày, sau khi kết thúc công việc, cô tranh thủ những giây phút hiếm hoi để gọi điện về hỏi thăm tình hình gia đình và cậu con trai nhỏ. Cả gia đình đều ủng hộ và động viên cô yên tâm làm nhiệm vụ. “Không ai muốn mình phải trải qua những ngày tháng khó khăn của dịch bệnh, nhưng nếu ai cũng chọn ở nhà thì ai sẽ là người xông pha lên tuyến đầu chống dịch? Dù cực một chút nhưng tôi vẫn rất vui và cố gắng tham gia tới khi nào trận chiến này dừng lại. Dịch bệnh được ngăn chặn, mọi người có được cuộc sống bình yên, tôi sẽ được trở về bên gia đình”, cô Năm nói.

Alô, đường dây nóng tỉnh Bình Dương xin nghe…

“… Em hỗ trợ được gì cho anh chị ạ?”. Lời chào đã trở thành câu cửa miệng của gần 180 tình nguyện viên là cán bộ, giảng viên, sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một khi tham gia vào đội hình Tổng đài 1022 của tỉnh. Một đội hình đặc biệt không gặp mặt nhau, không trực tiếp ra trận mà mỗi lời trò chuyện, mỗi câu giải đáp lại có thể giúp người dân hiểu rõ hơn những chính sách trong mùa dịch bệnh, chấp hành đúng những quy định của chính quyền. 180 tình nguyện viên đảm đương tất cả các khung giờ trong ngày để hỗ trợ kịp thời cho người dân.

“Công việc tiếp nhận điện thoại tưởng chừng đơn giản nhưng để làm tốt công việc của một tổng đài viên 1022 trong mùa dịch, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự cập nhật văn bản pháp quy, nắm vững thông tin chính sách của từng cấp, từng cơ quan điều hành để khi người dân cần là lập tức có thể hướng dẫn, giải đáp một cách chính xác”, thạc sĩ Trương Thị Thủy Tiên, Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và khởi nghiệp - một trong những thành viên đầu tiên tham gia đội hình này cho biết.

 Cô Trương Thị Thủy Tiên, Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và khởi nghiệp của ĐH Thủ Dầu Một, nhà ở TP.Hồ Chí Minh vẫn tham gia hỗ trợ tổng đài 1022 Bình Dương

Bên cạnh kiến thức, mỗi tổng đài viên cần có một trái tim đồng cảm, có sự tinh tế và kỹ năng khai thác thông tin để có thể sẻ chia với từng hoàn cảnh riêng biệt, ghi nhận và phản ánh đến đúng cơ quan chức năng, giúp người dân có được sự hỗ trợ kịp thời. “Ca đầu tiên mình được phân công trực đường dây cấp cứu. Lúc đó có một người dân gọi hối thúc xe cấp cứu với giọng gấp gáp, hốt hoảng làm mình cũng lúng túng theo. Mình lo lắng nếu lỡ hỗ trợ xe không kịp, người dân không may có chuyện gì thì chắc mình ân hận suốt đời. Đêm đầu tiên sau ca trực, mình bị ám ảnh đến mất ngủ. Sau gần 2 tháng tham gia, giờ đây mình đã quen việc, vừa thao tác đánh máy thông tin chính xác, vừa trao đổi để trấn an người dân”, cô Lâm Oanh, giảng viên Khoa Ngoại ngữ nhớ lại những ngày đầu tiên khi mới bắt đầu công việc.

 Đặc biệt, từ đầu tháng 9 vừa qua, trường ĐH Thủ Dầu Một đã xây dựng cho Tổng đài 1022 đội hình các chuyên gia tư vấn tâm lý cho người dân. Tham gia đội hình tham vấn có hơn 30 chuyên gia là các phó giáo sư, tiến sĩ, các giảng viên và sinh viên ngành tâm lý học, ngành công tác xã hội. Cùng với đội ngũ bác sĩ tư vấn về sức khỏe, các chuyên gia tham vấn tâm lý hỗ trợ người dân giải tỏa áp lực tinh thần trong giai đoạn dịch bệnh và đặc biệt là những sang chấn, ảnh hưởng về tâm lý nặng nề sau dịch bệnh.

Khi được hỏi về những kỷ niệm khi trực Tổng đài 1022, nhiều tình nguyện viên cho biết vui nhất là có những cuộc gọi đến chỉ để cảm ơn 1022 vì nhờ có đường dây nóng mà người dân đã được chính quyền hỗ trợ kịp thời, giúp gia đình tạm vượt qua khó khăn. Đó có lẽ là món quà lớn nhất mà các tổng đài viên “nghiệp dư” nhận được và là động lực để họ sắp xếp công việc, mở máy trực mỗi ngày. Đặc biệt, từ đầu tháng 9 vừa qua, trường ĐH Thủ Dầu Một đã xây dựng cho Tổng đài 1022 đội hình các chuyên gia tư vấn tâm lý cho người dân. Tham gia đội hình tham vấn có hơn 30 chuyên gia là các phó giáo sư, tiến sĩ, các giảng viên và sinh viên ngành tâm lý học, ngành công tác xã hội. Cùng với đội ngũ bác sĩ tư vấn về sức khỏe, các chuyên gia tham vấn tâm lý hỗ trợ người dân giải tỏa áp lực tinh thần trong giai đoạn dịch bệnh và đặc biệt là những sang chấn, ảnh hưởng về tâm lý nặng nề sau dịch.

Khi năm học mới bắt đầu, các “chiến sĩ” ấy lại vừa dạy - học online vừa tranh thủ thời gian tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh với quyết tâm “khi nào dịch yên, khi đó mới quay lại cuộc sống thường nhật”. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ Dầu Một xúc động nói: “Thật tự hào khi nhìn thấy hình ảnh các bạn sinh viên, các thầy cô giáo trường ĐH Thủ Dầu Một đã không quản khó khăn, vừa xung phong trên tuyến đầu, vừa làm hậu phương vững chắc, hỗ trợ chính quyền và tiếp sức cho cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mỗi việc làm tuy nhỏ bé nhưng đã thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh của người trí thức, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đáp lời khi Tổ quốc cần. Đó là minh chứng tự nhiên và rõ ràng nhất về trách nhiệm xã hội của nhà trường, một giá trị cốt lõi mà trường đã lựa chọn”.

 QUỲNH ANH - NGA NGUYỄN - ÁNH SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X