Bài 2: Thâm nhập các “lò sản xuất xe ma”
Bài 1: Xe “ma” tràn lan trên phốSau thời gian tìm hiểu, chúng tôi được biết không phải ai cũng mở được “lò” sản xuất, lắp ráp xe lôi “ma”, bởi vì kỹ thuật lắp ráp tuy không cao, nhưng linh kiện là hàng nhập lậu; được phân phối độc quyền bởi các đầu nậu và chỉ phân phối, “tổ chức làm ăn” trong hệ thống để bảo đảm an toàn vừa dễ thoát thân khi bị phát hiện, tố cáo.
Cơ sở hàn tiện kiêm lắp ráp xe 3 bánh “chui” cạnh chợ An Phú, TX.Thuận AnMột đoạn đường nhiều “lò” sản xuất
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội NINH QUỐC BÌNH: Phải dẹp bỏ tình trạng lắp ráp không hợp lệ
Bản thân các loại xe thô sơ, xe ba gác đã không được kiểm định, không bảo đảm an toàn giao thông, phần lớn người lái không qua đào tạo, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có tình trạng gây mất trật tự an toàn và tai nạn giao thông. Tỉnh Bình Dương có chính sách thay thế, tiêu hủy thông thoáng, áp dụng chung cho mọi đối tượng chứ không riêng hộ nghèo, người trực tiếp hành nghề... trực tiếp góp phần giảm thiểu tai nạn, nâng cao nhận thức cho người sử dụng phương tiện, góp phần thực hiện văn hóa giao thông. Tình trạng lợi dụng chủ trương, chính sách để sản xuất, lắp ráp phương tiện không hợp lệ, trục lợi, gây ảnh hưởng trật tự xã hội cần được dẹp bỏ.
Sau nhiều ngày điều nghiên, theo dõi chúng tôi thâm nhập thực tế tại các “trung tâm” sản xuất, mua bán xe lôi máy có quy mô lớn khu vực ngã sáu An Phú, phường An Phú, TX.Thuận An. Chỉ một đoạn đường ngắn từ ngã sáu về trạm thu phí trên đường ĐT743, phóng viên phát hiện hai bên đường xuất hiện nhiều “cơ sở sản xuất” xe lôi máy 3 bánh “ma” với đầy đủ bảng hiệu, số điện thoại liên lạc như: Cơ sở hàn tiện M.P, hàn cửa sắt T.P, sửa xe máy, xe tay ga T.T... Có cơ sở được trang bị đầy đủ máy móc hàn tiện hạng nặng để vừa làm dịch vụ hàn tiện, làm đồng xe hơi, phay bào... nhưng cũng có cơ sở nguyên là tiệm hàn cửa sắt chỉ với chiếc máy hàn điện và một vài món đồ nghề đơn giản: chìa khóa, kìm bấm, mỏ lết... cùng với mặt bằng chỉ vài mét vuông để lắp ráp, sản xuất xe lôi máy “ma” theo mọi yêu cầu, kiểu dáng. Bởi vì từ linh kiện, khung gầm, thùng xe đến máy móc (đầu kéo) đều có sẵn, chỉ cần hàn để gắn kết các thiết bị vào đúng vị trí là có một xe mới như ý và nếu bị phát hiện, kiểm tra thì cũng dễ nhanh chóng tẩu tán.
Thử ghé vào tiệm hàn tiện, lắp ráp xe lôi máy 4 bánh gần chợ An Phú, chúng tôi hỏi cần mua 1 chiếc xe về chở hàng thì những anh thợ, kiêm bán hàng tại đây cho biết: “Anh cần mua xe mới hay xe cũ; sang tên luôn hay chỉ cần giấy tờ gốc kèm theo. Giá dao động từ 60 triệu đồng đến 150 triệu đồng tùy xe”? Thấy chúng tôi còn chần chừ, những người này tư vấn tiếp: “Nếu mình chỉ sử dụng ở quê, chạy trong công trường, chạy khách quen thì mua loại vài chục triệu; còn chạy kiếm tiền ở ngoài đường thì có 2 loại giấy: sang tên và không sang tên. Loại sang tên giá từ 120 - 150 triệu đồng/chiếc, nhưng phải chờ; không sang tên thì giá rẻ hơn, lấy xe liền”!
Phương thức hoạt động
Trở lại các “lò” sản xuất vừa nêu để dò hỏi mua linh kiện, thiết bị mang về tự ráp, chúng tôi đều nhận được sự im lặng và những cái lắc đầu “không biết”, vì ông chủ đi vắng, họ chỉ là người làm công! Dò hỏi mãi thì nhận được câu trả lời khô khốc như xua đuổi “cứ ra chợ mà tìm mua, chỉ cho mấy ông thì bọn tôi còn làm ăn cái gì nữa”?
Đang theo dõi một “điểm” trưng bày và bán loại xe này trên quốc lộ 1K, đoạn gần UBND phường Đông Hòa, TX.Dĩ An, chúng tôi tình cờ nhận ra người đàn ông trung niên cứ bám theo hỏi mua chiếc xe mô tô Lifan 150cm mà P.V đang đi với giá cao. Anh này còn gợi ý: Chỗ em có nhiều phụ tùng lắm, hôm nào rảnh các anh cứ ghé, em cho tụi nhỏ thay đồ miễn phí vì ở đó làm nhiều xe, có nhiều phụ tùng lắm. Hỏi địa chỉ thì anh này trả lời: “Tới cầu vượt Linh Trung hỏi tiệm ông S. Gò Dưa” ai cũng biết. Những ngày sau đó đi trên đại lộ Bình Dương, Thuận An, Dĩ An chúng tôi cũng đều gặp các trường hợp hỏi mua xe tương tự. Vấn đề này đã được một “chuyên gia” về mua bán xe máy đã chuyển nghề giải thích: “Thì họ mua xe mô tô của anh là xe thật, giấy tờ thật, biển số thật... nhưng đem về chỉ lấy phần đầu xe để gắn vô giàn thùng phía sau cho thành xe 3 bánh kiểu Trung Quốc. Linh kiện thì toàn là hàng nhập lậu, nên họ tổ chức hệ thống làm ăn rất bài bản và cùng diễn chung một kịch bản là: Mua xe cũ về tân trang để qua mặt địa phương. Còn với khách hàng thì nói ỡm ờ là giấy tờ hợp lệ nhưng không được sang tên, chứ thật ra là giấy tờ giả thì làm sao chúng dám đến cơ quan công an để sang tên”?
Không dừng lại ở đó, các “lò” lắp ráp chui này còn dùng nhiều hình thức gian lận khác mà dân mua bán xe hay gọi bằng tiếng lóng “một mẹ đẻ nhiều con”. Tức là tìm mua một chiếc xe mô tô cũ có giấy tờ hợp lệ để tân trang, đồng thời làm ra nhiều bộ hồ sơ giả để “gắn” vào những chiếc xe giả như đã nêu để bán. Từ đó mới có chuyện mua xe sang tên thì giá cao gấp đôi xe không sang tên. Nên từ xe thật, giấy tờ thật, biển số thật lúc đầu giờ đã “đẻ ra” nhiều chiếc xe mới, giấy tờ mới y chang giấy tờ, biển số của xe cũ, nhưng tất cả đều không hợp lệ nếu không muốn nói là xe gian, giấy tờ giả!
Địa phương bất ngờ
Tại UBND phường An Phú, TX.Thuận An, sau khi nghe chúng tôi trình bày thực trạng vấn đề mua bán xe lôi máy 3 bánh không hợp lệ gây ảnh hưởng trật tự giao thông, mỹ quan đô thị là nguy cơ đối với người nghèo, hộ nghèo nếu không may mua phải những chiếc xe ma trên, Chủ tịch UBND phường Tống Văn Năm cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ với hình thức làm ăn kiểu này, vì trước đây theo quy định các cơ sở hàn tiện, sửa xe gắn máy ngoài việc đăng ký kinh doanh theo quy định còn phải cam kết không được hàn, lắp ráp xe thô sơ, xe ba gác... Nếu vi phạm sẽ bị tịch thu. Nay lại xuất hiện tình trạng này? Chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra địa bàn để có hướng giải quyết, xử lý theo quy định”. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An cũng cho biết tương tự. “Gần đây có thấy loại phương tiện này xuất hiện nhiều cùng với hình thức treo bảng bán xe nhưng cứ nghĩ đây là hoạt động bình thường, phù hợp với chủ trương chung. Địa phương sẽ theo dõi, kiểm tra và có cách xử lý”.
Nói về tính pháp lý của loại xe trên, thiếu tá Võ Văn Lớp, Đội Đăng ký xe - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: “Loại xe 3 bánh có càng lái hiện nay không được phép đăng ký mới. Các xe đã được đăng ký, cấp biển số trước đây vẫn được hoạt động theo quy định chung và chỉ được lưu hành trên các tuyến đường được phép lưu hành ở từng địa phương. Trách nhiệm kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, lắp ráp trái phép, không hợp lệ thuộc về chính quyền địa phương. Trong quá trình tuần tra kiểm soát nếu phát hiện phương tiện vi phạm, kiểm tra giấy tờ không hợp lệ thì sẽ lập biên bản tịch thu theo quy định pháp luật”...
DUY CHÍ
“Ăn theo” chính sách?
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: UBND tỉnh đã chi ngân sách trên 17 tỷ đồng để tiêu hủy, thay thế xe ba gác, xe thô sơ, xe 3, 4 bánh tự chế theo quy định của Chính phủ, nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Công tác kê khai, tiêu hủy phương tiện cũng được tiến hành gọn nhẹ, đơn giản hơn so với các địa phương lân cận. Theo nhận định ban đầu của lãnh đạo một phường có nhiều cơ sở sản xuất, lắp ráp chui cho thấy: Sự xuất hiện các loại phương tiện thay thế xe thô sơ, xe ba gác không rõ nguồn gốc này là “ăn theo” chính sách, cần được dẹp bỏ bằng cách phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành hữu quan và địa phương.