Công nghệ đồng hành hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh

Cập nhật: 13-08-2021 | 08:35:12

Trước làn sóng dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp, hàng loạt các công nghệ đã được sử dụng, đồng hành trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bình Dương cũng đã và đang đẩy mạnh triển khai sử dụng các giải pháp công nghệ nhằm giám sát, theo dõi, cách ly, kiểm soát dịch bệnh cũng như điều trị bệnh nhân Covid-19 nhằm mang lại hiệu quả cao nhất có thể.

 Mã QR Code ghi nhận người đến và đi các địa điểm công cộng. Trong ảnh: Người dân sử dụng mã QR Code để khai báo y tế tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, đường Trần Văn Ơn, TP.Thủ Dầu Một

 Hỗ trợ tích cực

Mạng xã hội giúp mọi người luôn kết nối với cộng đồng và cập nhật thông tin nhanh chóng, các hoạt động “không tiếp xúc” dựa trên hạ tầng công nghệ sẵn có trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trong cuộc chiến chống Covid-19, việc ứng dụng công nghệ hiệu quả đã trở thành một trong những yếu tố có thể giúp khống chế được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan của vi rút. Công nghệ hiện đại giúp việc giám sát, theo dõi, cách ly và kiểm soát dịch trở nên dễ dàng hơn.

Thời gian qua, Bình Dương đã đẩy mạnh triển khai nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch được khuyến khích sử dụng như BluZone - cảnh báo nếu tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19; ứng dụng NCOVI - hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện; ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh - VHD; hệ thống ghi nhận người đến và đi các địa điểm công cộng (mã QR Code); hệ thống bản đồ chống dịch - an toàn Covid-19.

Để phát huy hiệu quả phòng chống dịch, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thực hiện cài đặt các ứng dụng. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, các cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo đảm 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan thực hiện khai báo y tế qua ứng dụng BluZone, NCOVI, Vietnam Health Declaration.

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã triển khai kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh qua hệ thống đường dây nóng 1022. Theo đó, Hệ thống đường dây nóng 1022 Bình Dương (tổng đài 1022) tiếp nhận các phản ánh liên quan trong công tác phòng, chống dịch theo khung thời gian 24/7 và chuyển các cơ quan, đơn vị kịp thời xử lý, bảo đảm tối đa không quá 5 giờ kể từ khi tiếp nhận. Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết từ khi toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bình quân hàng ngày, tổng đài 1022 nhận được 500 - 700 cuộc điện thoại, tin nhắn của tổ chức, cá nhân hỏi về việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan. Các nội dung này đã được tổng đài 1022 giải đáp ngay lập tức. Đối với các nội dung xử lý vi phạm về phòng, chống dịch, báo trường hợp tiếp xúc với F1, F0 nhưng không khai báo y tế, tổng đài 1022 sẽ chuyển ngành chức năng kiểm tra, xử lý. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đang nghiên cứu bổ sung nội dung tư vấn sức khỏe qua tổng đài 1022 để hỗ trợ người dân”.

Việc sử dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Đây cũng là một trong nhiều giải pháp để Bình Dương cùng cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Ứng dụng hiệu quả

Theo các chuyên gia, trong cuộc chiến chống lại đại dịch chưa từng có này, 5 ứng dụng công nghệ gồm theo dõi dịch bệnh bằng kỹ thuật số, khám chữa bệnh từ xa, AI, công nghệ in 3D và công nghệ thực tế ảo được đánh giá là rất hữu ích cho ngành y. Việc ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh tại các bệnh viện, đặc biệt là phương thức khám chữa bệnh từ xa đã chăm sóc bệnh nhân và giảm áp lực cho hệ thống y tế. Giải pháp trực tuyến đã cho thấy hiệu quả cao trong đại dịch, công nghệ đang trở thành trợ thủ đắc lực của con người, kể cả trong phòng, chống dịch lẫn trong thích ứng với thế giới mới hậu Covid-19. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng ứng dụng công nghệ để nghiên cứu cơ chế lây nhiễm và phương pháp điều trị, phát triển vắc xin phòng bệnh.

Tại Bình Dương, trước tình hình diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó xác định thực hiện ngay việc mở rộng, thành lập thêm các bệnh viện dã chiến có quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tăng cường năng lực thu dung, điều trị các bệnh nhân F0 ở tầng 2, tầng 3 theo khuyến nghị của đoàn công tác Bộ Y tế là ưu tiên hàng đầu. Các bệnh viện dã chiến được xây dựng thần tốc, được đầu tư các trang thiết bị y tế, ứng dụng công nghệ quản lý đầy đủ như một bệnh viện thông thường. Với hệ thống phần mềm quản lý, hệ thống trình ký văn phòng, camera quan sát, wifi tốc độ cao nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng quy trình và vận hành một cách an toàn, chuyên nghiệp, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân. Đặc biệt là các mẫu xét nghiệm, X-Quang tại các khu điều trị K cũng sẽ được chuyển về xét nghiệm tại bệnh viện, sau đó kết quả sẽ được số hóa, truyền về nhanh chóng, chính xác để phục vụ cho công tác điều trị.

Tin tưởng rằng, việc sử dụng công nghệ số hóa trong y tế của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ góp phần quan trọng để điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19, sớm đẩy lùi dịch bệnh.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=348
Quay lên trên