Công nghiệp phục hồi, hướng đến mục tiêu xanh, bền vững

Cập nhật: 19-04-2022 | 08:27:35

Dấu ấn sự phục hồi công nghiệp quý 1-2022 của Bắc Tân Uyên thể hiện đậm nét và đặt nền tảng cho tăng trưởng trong năm 2022. Việc hạ tầng tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ cũng đang mang đến những lợi thế cho công nghiệp Bắc Tân Uyên vươn mình theo hướng bền vững.

 Sản xuất tại Công ty Triệu Phú Lộc, huyện Bắc Tân Uyên

 Giá trị tăng 12,62% so với cùng kỳ

Theo ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, năm 2021 đầy khó khăn, thách thức, nhưng Bắc Tân Uyên vẫn thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Việc sớm trở thành “vùng xanh” là một trong những điều kiện mà các doanh nghiệp (DN) tại Bắc Tân Uyên có lợi thế để ổn định, phát triển sản xuất. Đó cũng chính là nền tảng để Bắc Tân Uyên phục hồi và tăng trưởng ổn định trong 3 tháng đầu năm 2022. Theo đó, quý I-2022, giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước thực hiện 1.330 tỷ đồng, tăng 12,62% so với cùng kỳ và đạt 25,21% kế hoạch năm. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư trong nước 797 tỷ đồng, tăng 12,57%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 533 tỷ đồng, tăng 12,68%.

 Việc KCN Việt Nam - Singapore III chính thức được động thổ xây dựng với quy mô 1.000 ha, trong đó có một phần diện tích tại xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên sẽ thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển xanh, thông minh. Theo đó, tiếp tục phát triển các khu công nghiệp địa phương theo hướng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và thân thiện môi trường. Được biết, đến nay trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có 620 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng vốn đầu tư 9.847 tỷ đồng.

Các DN cũng nỗ lực lớn trong việc phục hồi và phát triển sản xuất, bù đắp những thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh, khắc phục các khó khăn về lao động và chi phí logistics để giữ vững thị trường. Theo ông Lê Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KSB, trong 3 tháng đầu năm, các DN trong Khu công nghiệp (KCN) KSB nỗ lực để sản xuất, đa số các DN đều đã có bước phục hồi mạnh mẽ. Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng nỗ lực hỗ trợ các DN kết nối với ngành, địa phương để tạo điều kiện thu hút lao động.

Phía cộng đồng DN cho biết dù đạt mức tăng trưởng cao nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn thách thức. Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc (xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết quý I-2022 DN đối diện với rất nhiều thách thức khi nhân công thiếu hụt, chi phí tăng cao, tuy nhiên doanh nghiệp buộc phải có những phương án thích ứng. “Chúng tôi chấp nhận lợi nhuận không cao, bảo đảm nhu cầu của khách hàng và đời sống người lao động. Các DN gỗ mong muốn hạ giá thành logistics và nỗ lực đầu tư máy móc cắt giảm nhân lực. Chính sự quan tâm của chính quyền là nguồn động viên để DN bước tiếp, hóa giải những thách thức”, ông Hải cho biết. Được biết, Công ty Triệu Phú Lộc đang mở rộng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất ngành gỗ trong giai đoạn mới với diện tích 23 ha tại Bắc Tân Uyên.

Huyện Bắc Tân Uyên cũng tăng cường đối thoại, thường xuyên gặp gỡ nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN, tạo điều kiện hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Kiên định mục tiêu xanh, bền vững

Nhìn nhận về kinh tế địa phương, ông Thái Thanh Bình đánh giá giá trị sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp - thương mại dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển, tuy vẫn còn một số khó khăn.

Hiện nay, huyện Bắc Tân Uyên đã phát triển được 5 khu, cụm công nghiệp với trên 600 DN trong và ngoài nước đang hoạt động. Đến nay, các KCN không ngừng hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng kết nối và gắn liền với bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Giải quyết nhanh, đúng quy định và phù hợp quy hoạch đối với hồ sơ đầu tư của các DN ngoài, khu cụm công nghiệp. Tổ chức hội nghị đối thoại với DN để kịp thời giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án KCN Đất Cuốc (mở rộng), KCN VSIP III - xã Tân Lập, KCN Tân Bình. Tiếp tục kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, nhất là vấn đề về môi trường.

Ông Lê Hoài Nam cho biết công ty phối hợp cùng với địa phương để kêu gọi các DN có tiềm lực kinh tế lớn, đa quốc gia, các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các KCN. Từ đó, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị gia tăng cao, tham gia thị trường khu vực. Công ty cũng sẽ nỗ lực phát triển các khu thương mại dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người lao động, để họ gắn bó với Bắc Tân Uyên, với DN.

 Việc KCN Việt Nam - Singapore III chính thức được động thổ xây dựng với quy mô 1.000 ha, trong đó có một phần diện tích tại xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên sẽ thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển xanh, thông minh. Theo đó, tiếp tục phát triển các khu công nghiệp địa phương theo hướng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và thân thiện môi trường. Được biết, đến nay trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có 620 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng vốn đầu tư 9.847 tỷ đồng.

 TIỂU MY - PHƯƠNG THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=384
Quay lên trên