Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa: Ngày càng hiệu quả

Cập nhật: 23-11-2017 | 08:21:52

Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã không ngừng nỗ lực trong việc triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn tỉnh. Xoay quanh công tác này, cũng như các hoạt động kỷ niệm Ngày DSVH Việt Nam, phóng viên Báo Bình Dương có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khoa Hải, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL.

 - Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trong thời gian qua?

- Bình Dương hiện có 12 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 44 di tích xếp hạng cấp tỉnh với nhiều loại hình phong phú, đa dạng về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Công tác bảo tồn di tích được quan tâm, chú trọng như đầu tư xây dựng, tu bổ, phục hồi các hạng mục của Di tích Chiến khu D, Di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tây Nam Bến Cát (Tam giác sắt), Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến khu Vĩnh Lợi, Chiến khu Thuận An Hòa… Qua đó đã thực hiện công tác phát huy giá trị di tích một cách có hiệu quả, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Các em học sinh tìm hiểu lịch sử, văn hóa của quân dân Thuận An tại Chiến khu Thuận An Hòa

Công tác bảo tàng, sưu tầm và gìn giữ DSVH đã có nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị cao, với khoảng trên 20.000 hiện vật các loại. Hàng năm bảo tàng, các nhà truyền thống và các di tích thu hút đông đảo khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Đặc biệt, những khu di tích lịch sử cách mạng trong tỉnh đã trở thành điểm đến, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay về lịch sử đấu tranh hào hùng của các thế hệ cha ông nói chung, của quân và dân Bình Dương nói riêng.

Đạt được kết quả đó, thời gian qua, ngành VH-TT&DL luôn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ban ngành liên quan để làm tốt công tác đầu tư tu bổ các di tích, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt công tác giữ gìn và phát huy giá trị các di tích trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Cụ thể, chú trọng công tác tuyên truyền gắn với giáo dục truyền thống cho thanh thiếu nhi nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, của đất nước; tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên thông qua các hoạt động về nguồn, hội trại truyền thống; các hội thi, cuộc thi tìm hiểu về các danh nhân văn hóa, các hoạt động tham quan thực tế, hành trình đi tìm địa chỉ đỏ… để góp phần tuyên truyền sâu rộng trong thế hệ trẻ về truyền thống tốt đẹp của quê hương, từ đó nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng của tỉnh nhà.

- Thời gian tới, ngành VH-TT&DL có kế hoạch gì để việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH ngày càng tốt hơn, thưa ông?

- Sở VH-TT&DL cùng với các địa phương tập trung rà soát lại danh mục đối với các di tích có dấu hiệu xuống cấp trên địa bàn tỉnh cần trùng tu, tôn tạo để xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích trong giai đoạn từ 2018- 2020. Đồng thời, tiến hành rà soát việc đầu tư xây dựng các tượng đài, đền, bia tưởng niệm trên địa bàn tỉnh để kiến nghị những giải pháp trong công tác đầu tư, quản lý trong thời gian tới nhằm phát huy tốt những giá trị DSVH truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phối hợp với Đoàn Thanh niên làm tốt công tác giáo dục truyền thống, khơi gợi tinh thần xung kích, sáng tạo của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các DSVH trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả hơn.

Sở cũng chỉ đạo Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh tăng cường phổ biến, giới thiệu DSVH trên phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức phù hợp nhằm thu hút sự tham gia của xã hội trong việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH dân tộc. Song song đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tổ chức các hoạt động phát huy giá trị DSVH bảo đảm tính khoa học và phong phú về nội dung trưng bày; đa dạng hóa các chương trình giáo dục, học tập tại bảo tàng và di tích góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ DSVH và chủ quyền đất nước; khuyến khích xây dựng các hoạt động quảng bá du lịch, các chương trình tham quan chuyên đề gắn kết với hành trình DSVH và khai thác hình ảnh, tư liệu về DSVH trong các hoạt động công nghiệp sáng tạo.

- Nhân Ngày DSVH Việt Nam năm nay, ngành tổ chức những hoạt động gì để kỷ niệm, thưa ông?

- Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm Ngày DSVH năm 2017, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh đã tổ chức triển lãm chuyên đề “Di tích và danh thắng - điểm đến của DSVH”, tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Bình Dương… Qua triển lãm góp phần đưa DSVH đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Ngoài ra, Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND TX.Thuận An tổ chức lễ kỷ niệm Ngày DSVH Việt Nam lần thứ XIII với chủ đề “Ngày DSVH - Ngày về nguồn” tại Khu di tích lịch sử Chiến khu Thuận An Hòa, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ DSVH trong toàn dân; tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị DSVH dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa và Thông tin các địa phương tùy theo điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp nhân Ngày DSVH Việt Nam.

- Xin cám ơn ông!

THIÊN LÝ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=825
Quay lên trên