Trong 5 năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến rõ rệt, đạt những kết quả nhất định. Các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường mà Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra cho giai đoạn 2016-2020 đến nay đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc tỉnh lấy mẫu nước sau xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Tân Uyên
Kết quả tích cực
Giai đoạn 2016-2020, chất lượng các thành phần môi trường tỉnh cải thiện so với giai đoạn 2010-2015. Cụ thể, theo đánh giá chỉ số chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Bé tốt hơn so với các năm trước, đạt yêu cầu cấp nước sinh hoạt (cần xử lý phù hợp). Sông Thị Tính chất lượng nước cải thiện so với giai đoạn 2010-2015, chất lượng đạt yêu cầu tưới tiêu. Chất lượng nước mặt các kênh rạch cải thiện hơn so với các năm trước đây nhưng vẫn còn một số vị trí bị ô nhiễm hữu cơ.
Đối với nước dưới đất, kết quả quan trắc cho thấy mực nước tại các tầng chứa nước dưới đất trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 tương đối ổn định và có xu hướng tăng. Tỉnh đã ban hành và thực hiện vùng cấm, vùng hạn chế khai thác đã góp phần làm giảm việc lượng nước khai thác, cho thấy nước dưới đất đang có dấu hiệu phục hồi, chất lượng nước dưới đất tại hầu hết các vị trí quan trắc còn tương đối tốt. Đối với môi trường không khí, tiếng ồn, kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí đạt quy chuẩn cho phép ở hầu hết các chỉ tiêu quan trắc. Tuy nhiên, vẫn chịu áp lực từ hoạt động giao thông vận tải và hoạt động sản xuất công nghiệp nên tiếng ồn và nồng độ bụi tại một số khu vực còn vượt quy chuẩn cho phép. Đối với môi trường đất, tại các vị trí quan trắc khu vực chịu sự tác động của hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, có hàm lượng các chất ô nhiễm trong đất thấp hơn quy chuẩn cho phép (QCVN 03:2008/ BTNMT) nhiều lần.
Giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đã lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hạn chế đầu tư bên ngoài khu cụm công nghiệp, các dự án đầu tư có ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, các ngành nghề gia công sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Bảo đảm 100% các dự án đầu tư mới và 100% các khu cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động có hệ thống xử lý và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đội kiểm tra liên ngành đột xuất về môi trường để phản ứng nhanh. Tăng cường kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp có dấu hiệu xả thải ra môi trường không qua xử lý; đẩy mạnh kiểm soát các nguồn thải có lưu lượng từ 500 m3/ngày trở lên thông qua hệ thống quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động. Đến nay đã có 98/100 nguồn thải được lắp đặt, kiểm soát được hơn 150.000m3 nước thải/ngày, chiếm 80% tổng lượng nước thải trên địa bàn tỉnh. Song song đó, tỉnh đã tập trung xử lý dứt điểm 269/269 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đạt tỷ lệ 100%. Thực hiện di dời được gần 250 cơ sở ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị phía Nam của tỉnh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác bảo vệ môi trường cũng còn một số tồn tại, hạn chế và gặp không ít thách thức trong. UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương sớm ban hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường được thống nhất, đáp ứng yêu cầu, hài hòa, đồng bộ với các Luật Đầu tư, Tài nguyên nước, Khoáng sản, Xây dựng... Tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường bảo đảm yêu cầu trong giai đoạn mới, đặc biệt là có cơ chế phù hợp, tăng chi ngân sách cho các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, UBND tỉnh đã kiến nghị Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tổng kết Chương trình bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, sớm ban hành Chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã đề nghị HĐND tỉnh ban hành kịp thời, đầy đủ các nghị quyết chuyên đề, cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường nhằm giúp cho công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh sát với tình hình thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, cũng như góp phần tích cực vào việc bổ sung cơ chế, chính sách của Trung ương. Đồng thời xem xét và phê chuẩn Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2021-2025; xem xét, ưu tiên bố trí vốn ngân sách địa phương cho các công trình, dự án trọng điểm về môi trường nhằm khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trong 5 năm qua, Bình Dương đã đầu tư hơn 8.227 tỷ đồng thực hiện các công trình, dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, xử lý chất thải rắn theo kế hoạch. Triển khai thực hiện kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Bến Cát. Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp với số lượng 8.132 doanh nghiệp. |
PHƯƠNG LÊ