Công tác cải cách hành chính năm 2021: Những hiệu quả tích cực

Cập nhật: 17-12-2021 | 08:52:35

Năm 2021, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời. Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động tham mưu và đề xuất nhiều giải pháp để triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ổn định tăng trưởng kinh tế, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ một cửa cấp tỉnh giải quyết TTHC trong giai đoạn “bình thường mới”

 Hướng đến chính quyền số

Bình Dương luôn xem công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa và hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh đã và đang chú trọng nhiều hơn đến hoạt động ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương.

Điểm nổi bật của tỉnh về cải cách TTHC trong năm qua là tiếp tục được đẩy mạnh, chú trọng việc giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử, nhất là qua một năm Bình Dương gặp nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thường xuyên rà soát, cập nhật TTHC sửa đổi, bổ sung và ban hành mới vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, nhất là các TTHC liên quan đến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm 100% TTHC có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 kể từ ngày 1-1-2022.

Để hành động hướng đến chính quyền số, năm qua tỉnh đã ban hành kế hoạch Chương trình chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng thành phố thông minh Bình Dương; quyết định ban hành kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương, phiên bản 2.0. Các hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, bảo đảm điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ở một gốc nhìn khác, cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai toàn diện, đồng bộ ở cả 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã). Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm phục vụ Hành chính công TP.Thủ Dầu Một tiếp tục được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Bộ phận một cửa hiện đại được triển khai tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố, các trang thiết bị phần cứng, phần mềm được đầu tư đúng chuẩn. Bộ phận một cửa cấp xã thường xuyên được mở rộng, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu thực tế hoạt động của các địa phương; phần mềm một cửa điện tử đã được triển khai đồng bộ đối với 100% xã, phường, thị trấn.

Tiếp tục với những giải pháp hướng về nhân dân

Trong rất nhiều cuộc họp liên quan đến công tác CCHC của tỉnh, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đều đánh giá cao những nỗ lực của các cấp các ngành. Song, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp các ngành, địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa, xem công tác CCHC là đòn bẫy quan trọng phục hồi kinh tế. Tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp các ngành tập trung một số giải pháp nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và bộ chỉ số đo lường năng lực điều hành, quản lý, cạnh tranh của tỉnh như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó cần khẩn trương phân tích, đánh giá, rà soát những chỉ tiêu, tiêu chí còn thấp.

Các cấp, các ngành thực hiện tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người đân; hướng dẫn thủ tục, giải quyết kịp thời các vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát, phản ánh, tham gia xây dựng chính quyền; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các TTHC, các thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù, thu hồi đất; việc thu, chi ngân sách cấp xã, nâng cao chất lượng các dịch vụ công. Cùng với đó là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ gắn với thường xuyên giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tạo sự chuyển biến về nhận thức, tinh thần và thái độ trong thực thi nhiệm vụ, phục vụ nhân dân.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện thực tiễn của tỉnh…

Theo số liệu thống kê cho thấy đến nay Sở Thông tin và Truyền thông triển khai 1.598 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.binhduong.gov.vn/. Trong đó đã có 1.040 dịch vụ công của tỉnh được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

HỒ VĂN - KHẮC TUẤN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=617
Quay lên trên