Công tác chỉ đạo tuyến: Cần nâng cao chất lượng hơn nữa

Cập nhật: 24-07-2018 | 09:42:56

Công tác chỉ đạo tuyến được ngành y tế thực hiện từ nhiều năm nay, góp phần tích cực trong việc đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) ở tuyến cơ sở. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành y tế, công tác chỉ đạo tuyến trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ mới dừng lại ở hoạt động giám sát, đào tạo chứ chưa có những chuyển giao các kỹ thuật mới cụ thể…


Thăm khám bệnh tại TTYT TX.Thuận An

Góp phần nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới

Nâng cao chất lượng KCB là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, luôn được ngành y tế quan tâm thực hiện. Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến nhằm nâng cao chất lượng KCB cho tuyến cơ sở là một trong những nội dung của nhiệm vụ trên. Xác định tầm quan trọng của công tác chỉ đạo tuyến, hàng năm, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở KCB từ tỉnh đến cơ sở phải chú trọng đến công tác này trong quá trình hoạt động. Tùy theo tình hình thực tế và nhu cầu của tuyến dưới, các cơ sở KCB tuyến trên đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Các cơ sở tuyến dưới cũng xây dựng kế hoạch cần tuyến trên hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao những kỹ thuật, chuyên môn phù hợp với đơn vị mình.

Nói đến công tác chỉ đạo tuyến là nói đến việc hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới. Từ công tác chỉ đạo tuyến hàng năm, nhiều kỹ thuật đã được tuyến trên chuyển giao, đào tạo cho tuyến dưới. Nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã trở thành những đơn vị hỗ trợ chuyên môn tích cực cho tuyến dưới thông qua công tác chỉ đạo tuyến. Từ đó đã giúp các bệnh viện tuyến huyện hoàn thiện quy trình chẩn đoán điều trị, triển khai được nhiều kỹ thuật mới; góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng KCB, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn.

Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, các đơn vị y tế tuyến trên đã nhận cán bộ y tế tuyến dưới lên học tập thông qua những công việc thực tế tại đơn vị. Những lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn cũng được tổ chức cho cán bộ y tế tuyến dưới nâng cao trình độ. Từ đó, cán bộ y tế tuyến dưới đã được tiếp cận kiến thức, kỹ thuật mới, kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân để áp dụng vào công việc thực tế hàng ngày. Trong năm 2017, BVĐK tỉnh đã mở lớp cấp cứu cơ bản một số bệnh lý nội khoa và ngoại khoa cho các bác sĩ mới dưới 2 năm công tác; đào tạo chuyên môn, hướng dẫn kỹ thuật... đến các cơ sơ y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Việc chỉ đạo tuyến trong thời gian qua của ngành y tế có điều đặc biệt là không phân biệt công - tư, bệnh viện công lập hay ngoài công lập nếu có kế hoạch cần chỉ đạo tuyến đều được hỗ trợ như nhau.

Cần nâng cao chất lượng hơn

Tuy nhiên, việc chỉ đạo tuyến được thực hiện hay không còn phải dựa trên kế hoạch, thực tế của các đơn vị tuyến dưới. Nhiều lúc tuyến trên sẵn sàng, nhưng tuyến dưới chưa có kế hoạch, chưa có trang thiết bị thì cũng đành chịu. Đó cũng là lý do vì sao việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới của các bệnh viện tỉnh được thực hiện trong thời gian qua còn rất khiêm tốn.

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, BVĐK tỉnh đã thực hiện công tác chỉ đạo tuyến đối với các TTYT tuyến huyện và các bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Công tác chỉ đạo tuyến dưới được BVĐK tỉnh thực hiện thông qua việc tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên. Sau đó, bệnh viện đánh giá tình hình bệnh tật, dịch bệnh và công tác KCB của các bệnh viện tuyến dưới, từ đó có thông tin phản hồi và kế hoạch hỗ trợ chuyên môn. Bệnh viện cũng đã tổ chức 6 đợt đi tuyến đến các TTYT tuyến huyện và các bệnh viện trong tỉnh nhằm khảo sát tuyến cơ sở theo nhu cầu đề xuất; giám sát, hướng dẫn tuyến dưới nâng cao chất lượng KCB... Bên cạnh đó, BVĐK tỉnh còn mở 37 lớp đào tạo theo chuyên khoa cho các TTYT tuyến huyện. Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cũng đã và đang tổ chức đào tạo liên tục về phục hồi chức năng cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập. Bác sĩ Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, cho biết trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã đào tạo 2 học viên và tổ chức cấp lại chứng chỉ đào tạo cho 18 học viên đã học tại bệnh viện. Thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, bệnh viện đã tổ chức tập huấn cho thư ký chương trình tuyến huyện, thị, thành phố; đồng thời tổ chức đi công tác tuyến để nắm bắt tình hình tại các khoa y học cổ truyền - phục hồi chức năng của các TTYT tuyến huyện... Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy công tác chỉ đạo tuyến chỉ mới dừng lại ở việc tập huấn, đào tạo và đi công tác tuyến để giám sát tình hình. Việc chuyển giao kỹ thuật mới cho tuyến dưới còn rất hạn chế.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo tuyến 6 tháng đầu năm 2018, điều mà các cơ sở KCB quan tâm đó là làm sao để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chỉ đạo tuyến. Lãnh đạo ngành y tế cũng chỉ ra rằng, công tác chỉ đạo tuyến trong 6 tháng đầu năm 2018 của các bệnh viện tuyến trên chỉ mới dừng lại ở hoạt động giám sát, đào tạo. Do đó, các đơn vị y tế tuyến tỉnh cần tăng cường thực hiện công tác chỉ đạo tuyến nhiều hơn trong những tháng còn lại của năm 2018, đi vào những công việc cụ thể nhằm tránh lãng phí thời gian khi cử cán bộ đi công tác tuyến. Bởi thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến sẽ góp phần nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới và giảm tải cho tuyến trên.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=997
Quay lên trên