CPI tháng 2 tăng 3,98%

Cập nhật: 29-02-2024 | 10:33:15

Sáng 29-2, Tổng cục Thống kê vừa cho biết: Tháng 2 có Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu...là nguyên nhân làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,04% so với tháng 1 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023.


 Người dân mua sắm tại siêu thị Aeon Long Biên, Hà Nội.

So với tháng trước, CPI tháng 2 tăng 1,04% (khu vực thành thị tăng 0,98%; khu vực nông thôn tăng 1,09%); trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá.

Tổng cục Thống kê cho biết, các yếu tố làm tăng CPI trong 2 tháng đầu năm 2024. Đó là, chỉ số giá nhóm gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Lễ ông Công, ông Táo và Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 2 tháng đầu năm tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,55 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 9,44% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 04/5/2023 và ngày 09/11/2023, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, góp phần làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm giáo dục 2 tháng tăng 8,47% so với cùng kỳ năm trước, do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,52%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.

Cùng với đó, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,66% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng, làm CPI chung tăng 1,07 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,89%, làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá thịt gia cầm tươi sống tăng 2,37%; thịt lợn tăng 1,13%. Theo đó, giá thịt chế biến tăng 2,56%, mỡ ăn tăng 1,54%. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,3%, góp phần làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm.

Bên cạnh các yếu tố khiến CPI, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra các yếu tố làm giảm CPI trong 2 tháng đầu năm. Đó là, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông bình quân 2 tháng giảm 1,45% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đã được tung ra thị trường một thời gian.

Trong tháng 2, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/2, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.037,18 USD/ounce, tăng 1,11% so với tháng 01/2024 do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, nhu cầu mua vàng tăng do căng thẳng địa chính trị kéo dài và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Trong nước, do nhu cầu mua vàng lấy may trong ngày Thần Tài tăng làm chỉ số giá vàng tháng 2 tăng 2,01% so với tháng trước; tăng 4,61% so với tháng 12/2023; tăng 16,67% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 2 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 16,05%.

Đối với chỉ số giá USD, trên thế giới, giá đồng USD tăng sau khi số liệu lạm phát của Mỹ tháng 01/2024 được công bố cao hơn dự kiến, các nhà đầu tư dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 3/2024. Tính đến ngày 25/02/2024, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 103,86 điểm, tăng 0,66% so với tháng trước.

Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.115 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 02/2024 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 0,92% so với tháng 12/2023; tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 2 tháng đầu năm tăng 3,79%.

Tổng cục Thống kê cho hay, lạm phát cơ bản tháng 2/2024 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,67%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=549
Quay lên trên