Cùng “Hợp tác vì nước”

Cập nhật: 21-03-2013 | 00:00:00
Ngày Nước thế giới (NNTG) 22-3 được tổ chức hàng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới đối với tài nguyên nước cũng như vận động chính sách quản lý bền vững nguồn tài nguyên này, đặc biệt là nguồn nước ngọt. Đối với Bình Dương, tài nguyên nước có ý nghĩa to lớn không chỉ với con người mà còn đối với quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.

Thực trạng…

Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ quản lý tài nguyên nước cho biết hiện nay, nhu cầu sử dụng nước và các dịch vụ về nước trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) từ năm 2003 đến 2008, cho thấy mực nước dưới đất tại các khu vực sản xuất tập trung như Khu công nghiệp Sóng Thần (TX.Dĩ An) và khu sản xuất An Phú (TX. Thuận An) đang có xu hướng thấp dần, trung bình 2m/năm tại Sóng Thần và 1m/năm tại An Phú.   Công ty TNHH Công Nghiệp THREAD Việt Nam, ấp Tân Mỹ, thị trấn Thái Hòa, Tân Uyên tiến hành trám lấp giếng khoan bị hư hỏng, bảo vệ nguồn nước

Quá trình thực hiện vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khu vực phía nam của tỉnh gặp không ít khó khăn. Một số doanh nghiệp (DN) có ngành nghề đặc thù như sản xuất chế biến thực phẩm, thủy hải sản, các loại nước uống giải khát, nước có gaz, nước đóng chai, nước đá, nhuộm và tưới cỏ cho sân golf… phản ánh việc sử dụng nước cấp tập trung có hàm lượng Clo cao đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, cỏ sân golf và rất khó xử lý. Mặt khác, nếu DN chuyển toàn bộ sang sử dụng nước cấp tập trung thì nguồn nước cấp không đủ nhu cầu sử dụng.

Đại diện của Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước- Môi trường Bình Dương cho biết hiện tổng công suất của các nhà máy cấp nước tại khu vực phía nam của tỉnh là 224.600m3/ ngày, trong khi tổng nhu cầu sử dụng nước tại khu vực phía Nam ước tính khoảng 450.000m3/ ngày. Nếu toàn bộ khu vực phía Nam chuyển sang sử dụng nước cấp tập trung thì lượng nước cấp tập trung sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu và lưu lượng còn thiếu khoảng 225.400m3/ngày.

Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, Sở TN&MT đã đưa ra các nhóm giải pháp cho những vùng hạn chế khai thác nước dưới đất như không cấp, gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất. Đối với một số ngành nghề đặc thù, cho phép các DN được khoan thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất để phục vụ sản xuất, các nhu cầu còn lại phải sử dụng nước cấp tập trung. Những DN có nguồn nước cấp tập trung thiếu hoặc yếu thì cho phép các DN được khai thác, sử dụng nước dưới đất một phần, chấp thuận cho các (DN) sử dụng 1 giếng khoan. Trường hợp còn lại thuộc vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải thực hiện việc trám lấp giếng theo quy định.

Cùng “Hợp tác vì nước”

Với chủ đề “Hợp tác vì nước” và thông điệp “Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước”. NNTG năm 2013 sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường hợp tác chặt chẽ để khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước quý giá, hữu hạn này. Đồng thời, đưa ra các giải pháp nhằm phân bổ nguồn nước hài hòa giữa các ngành và các nhóm sử dụng nước.

Bình Dương là một trong những địa phương có điều kiện tương đối thuận lợi về nguồn nước ngọt, song với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng đã làm suy giảm số lượng và chất lượng nguồn tài nguyên nước. Dưới góc độ quản lý, các cán bộ quản lý tài nguyên nước cho biết để quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, các DN, tổ chức, cá nhân cần phải có sự hợp tác hài hòa, chặt chẽ. Trước tiên cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, tăng cường cán bộ có chuyên môn cho cấp huyện, xã. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tình hình xả nước thải của các DN. Mở rộng hệ thống quan trắc nước thải tự động và các điểm quan trắc nước mặt, nước dưới đất. Lập quy hoạch tài nguyên nước, mạng lưới cấp, thoát nước, thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, tránh tình trạng thải ra sông suối và tự thấm. Vận động người dân và DN trám lấp giếng hư hỏng không sử dụng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trong cộng đồng dân cư và DN. Có như thế, Bình Dương chắc chắn sẽ có nguồn nước sạch, bảo đảm phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=613
Quay lên trên