Nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng TP Đà Nẵng, trong sáng 29-3 TP sẽ đồng loạt tổ chức khánh thành 3 công trình trọng điểm gồm: cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và tuyến cáp treo thứ 3 của Bà Nà Hills.
Cầu Rồng bắc qua sông Hàn được khởi công ngày 19-7-2009, tổng mức đầu tư trên 1.739 tỷ đồng. Đây là cây cầu bê tông cốt thép và dầm thép liên hợp bản bê tông cốt thép độc đáo và lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Cầu Rồng qua sông Hàn. Cây cầu này dài 666m, bề rộng mặt cầu 36-37,5m với 3 làn xe chạy giữa, 8 nhịp. Phần nhịp thép hình dáng một con rồng dài 568m, nặng gần 9.000 tấn.
Với hệ thống ánh sáng hiện đại của 1.000 bộ đèn LED, trang trí với 5 chủng loại đổi màu hiện đại tạo hiệu ứng mỹ thuật cao, đồng thời vào các đêm cuối tuần cầu Rồng sẽ phun lửa, phun mưa phục vụ du khách và người dân thưởng lãm.
Hình dáng cây cầu cách điệu dáng rồng, đầu ra hướng biển. Đây được coi là cây cầu độc đáo nhất Đông Nam Á từ trước đến nay.
Công trình thứ 2 là cầu Trần Thị Lý.
Được khởi công xây dựng từ ngày 22-4-2010, với tổng mức đầu tư là 1.709 tỷ đồng, cầu Trần Thị Lý với thiết kế độc đáo, cây cầu như cánh buồm căng gió vươn khơi xa, là cây cầu thứ 9 bắc qua sông Hàn. Cây cầu có tổng chiều dài 731m với nhịp chính dây văng dài 230 mét, bề rộng mặt cầu 34,5m, gồm 6 làn xe cơ giới, lề cho người đi bộ mỗi bên rộng 3,5m và giải phân cách rộng 5m.
Cầu Trần Thị Lý được trang bị hệ thống quan trắc tự động để ghi nhận các thông số biến đổi của cầu trong quá trình khai thác.
Cùng với cầu Thuận Phước, cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam, cầu sông Hàn, cầu quay quy nhất của Việt Nam, TP Đà Nẵng đang trong giai đoạn làm thủ tục để đề nghị đưa "con rồng thép lớn nhất" đối với cầu Rồng và "cầu có gối trụ lớn nhất thế giới" đối với cầu Trần Thị Lý vào sách kỷ lục Guinness.
Công trình thứ 3 cũng được khánh thành ngày 29/3 là tuyến cáp treo thứ 3 - thác Tóc Tiên của khu du lịch Bà Nà Hills, công trình đã được tổ chức Guinness World Records công nhận đạt 4 kỷ lục thế giới.
Tuyến cáp này có 25 trụ đỡ với chiều cao mỗi trụ là 50m, có tất cả 86 cabin được thiết kế hở, sức chứa mỗi cabin 10 người, công suất 1.500 khách/giờ, nâng tổng công suất phục vụ của 2 tuyến cáp lên đến 3.000 khách/giờ. Thời gian di chuyển từ chân núi lên đỉnh núi được rút ngắn chỉ còn 17 phút.Tổng kinh phí đầu tư tuyến cáp là 30 triệu Euro.
Điều đặc biệt của các công trình này là ngoài phần thiết là của các công ty nước ngoài, tất cả các khâu còn lại như: quản lý dự án, thiết kế bản vẽ thi công, giám sát, thi công đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện. Đây được coi là một bước tiến mới của trình độ xây dựng của nước nhà.
Theo Chinhphu.vn