Mũi Cà Mau, vùng đất cực nam của Tổ quốc vốn được biết đến hằng năm đất lấn ra biển, tuy nhiên những năm gần đây đã bị đổi chiều: đất không lấn ra biển nữa mà bị “ăn mòn” dần.
Nước biển xâm thực, gây sạt lở ngay cạnh biểu tượng mũi Cà Mau
Ngày 7-12, chúng tôi trở lại mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Đi theo con đường từ Rạch Mũi ra nơi biểu tượng mũi Cà Mau, chúng tôi thấy phía bên ngoài đã được xây dựng kè kiên cố (xây dựng năm 2011), vì vậy những con sóng từ biển ập vào đã bị kè chắn lại, không áp được vào bờ nên đã hạn chế được tình trạng xâm thực. Tuy nhiên, khu vực bên trong kè, dấu vết mũi Cà Mau bị sạt lở vẫn còn hiển hiện.
5 lần dời nhà
Những cư dân sống cố cựu ở vùng đất cực nam cho biết mũi Cà Mau có lở và có bồi, xu hướng đất bồi nhiều hơn, nhất là khu vực ở chóp mũi - nơi hằng năm đất lấn dần ra biển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây xu hướng đất lở nhiều hơn bồi.
Là một người đã sống nhiều năm tại Đất Mũi, bà Tư Bé (Lê Thị Bé, nhà gần mũi Cà Mau) kể: “Gia đình tôi ở đây đã ba đời và năm nay tôi 67 tuổi. Trước đây vàm Rạch Mũi ở tuốt ngoài Mũi Tàu (nơi có biểu tượng mũi Cà Mau) nhưng bị lở dần vào trong. Nhiều gia đình sống cùng thời với tôi đất bị “hà bá” nuốt nên phải bỏ nhà đi nơi khác. Nhà tôi dời lần này là lần thứ năm. Cửa vàm Rạch Mũi trước đây nhỏ chừng 8m nhưng bây giờ đã lở “mở miệng” rộng hàng trăm mét”.
Ông Nguyễn Thanh Trên (cũng ở gần mũi Cà Mau) cho biết: “Mũi Tàu trước đây xây dựng cách bờ biển khoảng 50m, bây giờ chỉ còn vài bước chân. Nếu không có bờ kè phía bên ngoài thì đất đã lở ăn sâu vào Mũi Tàu”.
Theo ông Ngô Minh Toại - chủ tịch UBND xã Đất Mũi, bờ biển trên địa bàn xã hằng năm đều bị xâm thực. Tuy nhiên mức độ xâm thực mỗi năm bao nhiêu, cũng như hàng chục năm qua đã lở bao nhiêu mét thì ông không thể thống kê được.
Kè “kẹt” vốn
Khi được hỏi tỉnh có biện pháp gì để bảo vệ mũi Cà Mau trước nguy cơ xâm thực bờ biển ngày một tăng, một lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Đối với những bờ biển xung yếu bị sạt lở thì chúng tôi làm kè bảo vệ, những đoạn còn lại tiến hành trồng lại rừng hoặc kết hợp cả hai. Trong tâm thức nhân dân ta, mũi Cà Mau là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc nên chúng tôi bảo vệ bằng mọi biện pháp. Mũi Cà Mau bị sạt lở chúng tôi thấy như bị “xâm lược” nên đã khẩn cấp xin vốn trung ương, kết hợp với nguồn vốn địa phương xây kè bảo vệ mũi Cà Mau”.
Ông Tô Quốc Nam - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau - cho hay công trình kè bảo vệ mũi Cà Mau có tổng vốn đầu tư 230 tỉ đồng (trong đó vốn trung ương hỗ trợ 200 tỉ nhưng mới rót được 100 tỉ đồng). Hiện kè đã thi công được một đoạn khoảng 600m, còn lại khoảng 1.000m đang thi công cầm chừng do không có vốn.
Bước đầu đoạn hoàn thành đã phát huy hiệu quả, ngăn chặn được sạt lở. Khu vực bãi bồi phía sau kè mũi Cà Mau cây mắm, đước... đã phát triển trở lại. Tuy nhiên công trình làm không đồng bộ nên chưa phát huy hết hiệu quả, thậm chí vào mùa mưa bão sắp tới mũi Cà Mau tiếp tục diễn ra cảnh sạt lở (ở những nơi chưa làm kè)” - ông Nam nói.
(Theo TTO)