Bài 17: Hòa mình cùng mùa xuân
Trong những ngày toàn miền Nam vùng lên trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, quân và dân Bến Cát đã đồng loạt hưởng ứng mạnh mẽ, đoàn kết chiến đấu giải phóng quê hương, góp phần tạo nên một chiến thắng vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm dân tộc.
Trong những ngày tháng tư lịch sử năm 1975, quân và dân Bến Cát sục sôi khí thế tiến công địch để giành lấy thắng lợi cuối cùng. Cách đây 40 năm, sự nổi dậy mạnh mẽ của quân và dân tại ba xã Tây Nam Bến Cát đã làm cho địch tại đây hoảng sợ và rệu rã. Toàn bộ quân địch đóng ở các vị trí 3 xã Tây Nam phải rút chạy, ta truy kích diệt 16 tên, thu trên 100 súng các loại. Tiểu đoàn 361 bảo an và bộ máy kìm kẹp của địch bị tiêu diệt và tan rã. 3 xã Tây Nam được hoàn toàn giải phóng đã làm nức lòng nhân dân Bến Cát, tạo thế và lực mạnh mẽ để các mũi tiến công của lực lượng ta tiến về giải phóng Sài Gòn.
Tiếp đó, lực lượng quân sự địa phương tiếp tục phối hợp với lực lượng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, chốt chặn đường 13 ngăn chặn không cho Sư đoàn 5 bộ binh ngụy đóng ở Lai Khê rút chạy về Sài Gòn, tiến tới bức hàng địch tại căn cứ Lai Khê. Đại tá Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Huyện đội trưởng Bến Cát kể lại, tháng 2-1975, lúc này ông làm Đại đội trưởng Đại đội 2, C61, được Huyện đội giao nhiệm vụ cử 1 trung đội cùng 6 xã đội trưởng và du kích của 6 xã do ông phụ trách về tỉnh nhận nhiệm vụ dẫn đường cho 1 trung đoàn tăng cường thuộc Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 của ta từ miền Bắc tiến vào có nhiệm vụ triển khai lực lượng đánh ngăn chặn Sư đoàn 5 ngụy ở Lai Khê không cho tiếp viện về Bình Dương và Sài Gòn; đồng thời hỗ trợ cho lực lượng tại chỗ của các xã và huyện tiến công địch giải phóng Bến Cát. Đến ngày 20-4-1975, toàn bộ các cánh đều dẫn Sư đoàn 312 về đến địa phương Bến Cát như kế hoạch. Lực lượng ta tổ chức triển khai lực lượng theo 3 tuyến. Tuyến 1 từ Mỹ Phước qua ngã tư Ông Giáo, xã Chánh Phú Hòa; tuyến 2 từ Thới Hòa qua xã Hòa Lợi và tuyến 3 từ Tân Định qua xã Hòa Lợi. Ông Tâm nói: “Trong hơn 10 ngày, ta triển khai bố trí lực lượng địa phương phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực đánh địch tại các đồn bốt như Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Tân Định, Thới Hòa, Bến Cát. Bị tập kích dồn dập, địch tại các vị trí này hoảng loạn và co cụm lại. Các trận địa pháo của Sư đoàn 5 ngụy tại Thới Hòa, Mỹ Phước, Lai Khê bắn xối xả vào vùng ngăn chặn của ta. Về phía ta, các lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương phối hợp chặt chẽ cùng địa phương bám chắc trận địa để đánh ngăn chặn địch”.
Đến ngày 29-4-1975, Tiểu đoàn 306 bảo an ở khu vực Bình Mỹ, Bình Cơ huyện Tân Uyên bị ta tấn công tháo chạy về Bình Dương đến tuyến án ngữ của ta ở Chánh Phú Hòa và Hòa Lợi. Nắm chắc hướng di chuyển của địch, ta tổ chức đánh chặn địch tại khu vực này suốt ngày khiến chúng không về Bình Dương được. Đến trưa ngày 30-4-1975, tiểu đoàn này buông súng tháo chạy và đầu hàng. Trước tình hình này, Sư đoàn 5 ngụy đóng ở Lai Khê, Bến Cát và Thới Hòa bắt đầu rệu rã. Một số binh lính ngụy tại Thới Hòa hoảng loạn cởi quần áo, bỏ súng và tháo chạy. Sau đó, lực lượng ta triển khai trận địa pháo cách bót Thới Hòa 400m nã pháo cối tấp nập vào bót này. Toàn bộ trận địa pháo địch tại Thới Hòa bị ta đánh sập, binh lính tại phân chi khu Thới Hòa hoảng loạn tháo chạy. Ta thu toàn bộ vũ khí gồm 2 khẩu pháo 155mm, 5 khẩu pháo 105mm và toàn bộ đạn dược bàn giao lại cho địa phương quản lý. Từ Thới Hòa, lực lượng ta phát triển lên hướng Bến Cát và Lai Khê. Trước thế tiến công mạnh mẽ của ta, lúc này binh lính Sư đoàn 5 ngụy bắt đầu rệu rã đầu hàng. Đại tá Lê Viết Viên, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, người trực tiếp tham gia chiến dịch đường 13 kể lại: “Đến ngày 29-4, thấy đã thất bại nên địch dùng một lực lượng với xe bọc thép mở đường máu, tìm cách tháo chạy về Sài Gòn nhưng bị Trung đoàn 209 đánh chặn phải trở lại Lai Khê. Rạng sáng 30-4, địch đã nao núng, hoảng loạn hoàn toàn, Trung đoàn 141 được phép dùng một đại đội do Trung đoàn phó Nguyễn Văn Được (nay là Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam) dùng xe bọc thép theo hướng nam để cùng với Trung đoàn 209 sẵn sàng tiêu diệt cứ điểm Lai Khê. Còn lại đại bộ phận Trung đoàn 141 theo hướng bắc vượt qua Bàu Bàng, vừa trinh sát vừa tiêu diệt địch trên đường hành quân tiến về Sài Gòn qua Lai Khê. Khi tiến đến Lai Khê địch đã hoảng loạn, túa chạy theo các hướng, Trung đoàn 141 cùng với Trung đoàn 209 chốt chặn và vây bắt địch tại cứ điểm Lai Khê, bắt sống gần 4.000 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng Lai Khê”. Đến chiều 30-4-1975, lực lượng ta tiếp quản toàn bộ huyện Bến Cát và sở chỉ huy Sư đoàn 5 ngụy ở Lai Khê, Bến Cát được giải phóng hoàn toàn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, Bến Cát nằm phía bắc tỉnh, giáp ranh với Thủ Dầu Một và huyện Củ Chi (TP.HCM) chỉ một dòng sông Sài Gòn. Bên kia có địa đạo Củ Chi thì bên này cũng có địa đạo Tam giác sắt nối liền 3 xã, với nhiều vùng căn cứ kháng chiến. Đối với chính quyền Sài Gòn, Bến Cát là “cửa ngõ” phía bắc nên trở thành vùng tranh chấp, bắn phá ác liệt nhưng với ý chí kiên cường, đoàn kết thống nhất, quân và dân Bến Cát đã lần lượt bẻ gãy các cuộc càn quét của kẻ thù... Từ truyền thống đánh giặc anh dũng, Bến Cát có 4 đơn vị và 11 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Bến Cát cũng có hàng trăm mẹ Việt Nam anh hùng... Chiến tranh đã lùi xa, Bến Cát ngày nay đã có nhiều đổi thay mạnh mẽ, là một trong những địa phương có tốc công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh của tỉnh. Những người con Bến Cát anh hùng hôm nay vẫn đang tiếp tục ra sức lao động, sản xuất để đưa địa phương phát triển lên tầm cao mới. Mùa xuân thắng lợi, mùa xuân của sự phát triển đang lan tỏa mạnh mẽ trên vùng đất Bến Cát anh hùng.
Bài 18: Đội biệt động TX.TDM - xứng danh anh hùng
CAO SƠN - KIẾN GIANG