Dấu ấn hợp tác, đầu tư- Kỳ cuối

Cập nhật: 08-08-2017 | 08:47:36

Kỳ cuối: Khai thác tốt tiềm năng

Trong quá trình phát triển, Bình Dương đã nắm bắt và khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy lợi thế, sức mạnh và thu hút mạnh nguồn lực trong và ngoài nước để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất. Nhờ đó, Bình Dương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, trở thành địa phương phát triển năng động của cả nước.

Chuẩn bị tốt hạ tầng đề thu hút đầu tư

Bình Dương bước vào xây dựng và phát triển công nghiệp từ điểm xuất phát thấp - là một tỉnh nông nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp còn nhiều hạn chế. Thực tế đó bắt buộc tỉnh Bình Dương phải có bước đột phá, đi tắt đón đầu, phát huy mạnh mẽ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nhất là từ năm 1997, Bình Dương đã mạnh dạn xác định phát triển công nghiệp chính là yếu tố đột phá, tạo tiền đề cho tỉnh phát triển.

Tiềm năm hợp tác kinh tế giữa ASEAN với Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng còn rất lớn. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An) - công trình tiêu biểu cho mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Singapore và doanh nghiệp tỉnh Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp, trong đó có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 65%. Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp cũng được Bình Dương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện toàn tỉnh có 6/8 cụm công nghiệp hoạt động với diện tích gần 600 ha, tỷ lệ lấp đầy là 45%. Không dừng lại ở đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020 Bình Dương sẽ có 33 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích khoảng 15.730,18 ha.

Bình Dương cũng khuyến khích và có lộ trình chuyển đổi dần cơ cấu đất công nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn 2 TX.Thuận An và Dĩ An sang đất thương mại, dịch vụ một cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn; đồng thời, phát triển các khu công nghiệp tập trung về phía bắc của tỉnh, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài khu công nghiệp bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại, vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp. Đây là một bước tiến mới, tạo điều kiện thuận lợi cho Bình Dương tiếp tục phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Sẵn sàng “vươn khơi”

Ngay từ khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi đến những vòng đàm phán cuối cùng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, châu Âu hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sắp có hiệu lực, lãnh đạo UBND tỉnh đã đề nghị lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp cần chuẩn bị thật tốt mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư có thế mạnh trong tương lai gần. Xác định được cơ hội rộng mở phía trước, tỉnh nhà nhanh chóng chuẩn bị quỹ đất sạch dồi dào, cơ sở hạ tầng chu đáo và đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư.

Trong khi đó, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực thu hút đầu tư, kiến tạo hạ tầng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng luôn quan tâm, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Điều đó đã góp phần làm cho thương hiệu của Bình Dương vang xa, tạo ấn tượng và an tâm để nhà đầu tư tin tưởng làm ăn lâu dài tại đây.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương luôn có môi trường đầu tư lý tưởng, điểm đến đáng tin cậy. Chính vì vậy, nguồn đầu tư vào Bình Dương không chỉ tăng về lượng mà còn vượt về chất, với nhiều dự án tầm cỡ của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới và Bình Dương trở thành một trong 5 tỉnh, thành thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước.

Hiện nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và Liên minh châu Âu. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các đối tác trong ASEAN giai đoạn 2003-2016 tăng trưởng đều qua các năm, trung bình đạt 17%/năm. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN ngày một chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nâng cao cả về chất lượng và giá trị.

Nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, có thể thấy Bình Dương đã có sự đầu tư bài bản, đồng bộ các ngành thuộc những lĩnh vực trọng tâm như hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại - dịch vụ, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục và các lĩnh vực văn hóa - xã hội khác. Đồng thời, tỉnh nhà còn đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục - đào tạo, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Chính sự đầu tư bài bản, có hiệu quả cao nên đến nay, nhiều tuyến giao thông huyết mạch, trọng điểm trên địa bàn tỉnh được hình thành đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật điện, nước, bưu chính viễn thông... cũng được đầu tư đồng bộ; hạ tầng xã hội giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch... cũng có bước phát triển tốt. Đây là tiền đề quan trọng để trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực để nhanh chóng xây dựng tỉnh nhà trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, thân thiện, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Dẫu vậy, khi AEC có hiệu lực, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ, trong đó có thể kể đến là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN dẫn đến một số ngành, sản phẩm phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô, nhóm hàng công nghiệp có giá trị gia tăng thấp. Bởi thế, để thực sự hòa mình vào dòng chảy ASEAN, các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương phải chuẩn bị tâm thế, nêu cao tinh thần chủ động, không ngừng cải tiến khoa học - kỹ thuật để tự mình vững mạnh, sẵn sàng vươn ra biển lớn.

Khi AEC có hiệu lực sẽ tạo ra một thị trường phi thuế quan cho 600 triệu dân và GDP khoảng 3.000 tỷ USD của ASEAN. Tuy nhiên, thực hiện AEC các nước vẫn có quyền chủ động về các chính sách thuế, ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển. Như vậy, sau khi AEC chính thức có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp ASEAN nói chung và doanh nghiệp Việt Nam lẫn Bình Dương nói riêng. Các doanh nghiệp sẽ được bình đẳng như nhau, có cơ hội mở rộng trao đổi thương mại ở một thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng thu hút đầu tư dựa trên lợi thế không gian của một thị trường mở. Bên cạnh đó, các rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ, hầu hết mặt hàng nhập khẩu trong nội khối ASEAN được hưởng ưu đãi thuế quan… sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand… thông qua các hiệp định thương mại tự do riêng giữa ASEAN với các đối tác kinh tế lớn. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực.

 KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=489
Quay lên trên