Dầu Tiếng: Nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả

Cập nhật: 08-11-2018 | 06:09:45

Thời gian qua, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Dầu Tiếng ngày càng thu hẹp. Để thích ứng với thực tế này, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều nông dân trong huyện đã nhạy bén ứng dụng những mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị. Đây là hướng phát triển sản xuất mới góp phần cho nền nông nghiệp huyện nhà phát triển bền vững.

Nhiều mô hình cho thu nhập cao

Nhằm giúp nông dân thích ứng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, huyện Dầu Tiếng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, giải quyết vấn đề vốn, thúc đẩy nhà nông đổi mới tư duy sản xuất, góp phần tạo ra những bước phát triển mới cho ngành nông nghiệp địa phương. Mô hình trồng lan Dendro của ông Nguyễn Tấn Phước Vinh, ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa là một điển hình. Với diện tích lớn 6 ha, trang trại lan của ông cung cấp cả hoa và chậu lan trưởng thành cho các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh, mỗi năm ông thu về lợi nhuận 3,6 tỷ đồng. Trang trại lan của ông còn tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Trang trại lan của ông Nguyễn Tấn Phước Vinh, ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa. Ảnh: HỒNG NGA

Hay như mô hình trồng lan Mokara các loại của gia đình ông Võ Văn Quang, ở ấp Đường Long, xã Thanh Tuyền, với hơn 5.000m2, mang lại thu nhập bình quân cho gia đình 40 - 50 triệu đồng/tháng. Ông Quang cho biết, so với một số loại cây trồng trước đây, ông đã canh tác trên cùng diện tích, chưa có loại cây trồng nào cho thu nhập cao như lan Mokara. Điều đáng mừng là đầu ra cho hoa lan ổn định; trồng lan lại không tốn nhiều công sức như nhiều loại cây trồng khác...

Còn ông Đỗ Văn Son, ngụ ấp Căm Xe, xã Minh Thạnh thành công với mô hình trồng cây kiểng lá, chủ yếu là nguyệt quế, đinh lăng, cau vàng, cây phát tài. Đây là những loại cây phù hợp với bóng mát râm và ẩm thấp. Theo ông Sơn, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc cây kiểng lá không quá phức tạp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao. Giá bán các loại này không cao nhưng nhờ số lượng nhiều mang lại cho gia đình ông thu nhập khá. Cây kiểng lá của ông được thương lái từ Chợ Lách, Bến Tre đến tận nhà thu mua, cam kết thu mua lâu dài nên ông khá an tâm.

Về chăn nuôi cá cảnh có thể kể đến anh Lê Văn Huệ, ở ấp Xóm Bến, xã Thanh Tuyền. Qua hơn 20 năm sản xuất giống, nuôi và kinh doanh cá cảnh, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình anh. Hiện anh nuôi các loài cá cảnh như cá Dĩa, cá Hạt Đỉnh Hồng, cá Ông Tiên, cá Ba đuôi…; bình quân mỗi tháng anh thu về hơn 80 triệu đồng.

Gỡ khó về vốn

Đến nay, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị đang được nhân rộng, có sức lan tỏa nhanh tại huyện Dầu Tiếng. Theo Phòng Kinh tế huyện, một trong những giải pháp để khắc phục mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đó là phát triển nông nghiệp đô thị. Đây được xem là giải pháp mang lại nhiều hiệu quả và bền vững.

Theo các ngành chức năng, so với sản xuất nông nghiệp thông thường, lợi thế của các mô hình nông nghiệp đô thị là sản xuất trên một diện tích nhỏ, tiết kiệm nhân công nhưng năng suất cao hơn nhiều lần. Lợi thế khác của nông nghiệp đô thị là tính ổn định cao do không phụ thuộc nhiều vào thời tiết; sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Dự báo trong thời gian tới, những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Dầu Tiếng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Do đó, huyện có chủ trương khuyến khích đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao không chỉ ở các xã vùng xa của huyện mà ngay tại khu vực thị trấn Dầu Tiếng. Thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã tích cực tham mưu tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và phát triển nông nghiệp đô thị nói riêng. Riêng Phòng Kinh tế huyện còn chủ động phối hợp với các ngành thực hiện công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Khó khăn trước hết là chi phí đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cao gấp 3 - 4 lần so với phương pháp truyền thống. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định 68 nhằm tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch nhưng trên thực tế người dân vẫn rất khó để tiếp cận được nguồn vốn này.

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngoài sự nỗ lực của người dân và địa phương, huyện Dầu Tiếng đang rất cần thêm những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, từ việc liên kết sản xuất đến tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, để người dân yên tâm sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

 

HỒNG NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1063
Quay lên trên