Đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm bệnh đậu mùa khỉ

Cập nhật: 18-10-2022 | 08:23:42

 Sau khi Việt Nam ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh, ngành y tế Bình Dương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống với loại dịch bệnh này trên địa bàn tỉnh. Công tác giám sát được đẩy mạnh tại các bệnh viện nhằm giám sát chặt chẽ các trường hợp có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ để chủ động ứng phó các tình huống.

 Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 Sẵn sàng các tình huống

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đơn vị đang chủ động tổ chức khám sàng lọc, phân luồng, cách ly và thu dung, điều trị trường hợp phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận trung bình 1.300 - 1.400 lượt người đến khám bệnh ngoại trú và chăm sóc, điều trị từ 1.400 - 1.500 người bệnh nội trú. Bệnh viện đã sẵn sàng phương án mở rộng các khu tiếp nhận điều trị bệnh khi ca bệnh tăng cao, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ sở y tế khác phòng, chống dịch và xử lý các tình huống khẩn cấp.

Bà Đỗ Quốc Thiên Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Ngay từ khi có chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viện đã phân công các phòng chức năng, Khoa Khám bệnh… tập huấn cho cán bộ y tế, kỹ thuật viên, điều dưỡng để có thể phát hiện sớm trường hợp ca bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh viện đã triển khai tập huấn, đặc biệt cho các bác sĩ Khoa Khám bệnh để khi xuất hiện bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng, như: Có các bọng nước, bọng mủ trên cơ thể, nhất là với bệnh nhân có tiền sử đi về từ các vùng có dịch sẽ nhanh chóng được giám sát. Với những ca chưa rõ ràng có thể cần hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện để phối hợp các đơn vị chuyên khoa khác kịp thời xét nghiệm khẳng định chính xác ca bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp, phòng ngừa bệnh lây lan ra cộng đồng”.

Hiện bệnh viện cũng liên hệ với các cơ sở y tế đầu ngành về bệnh lý truyền nhiễm để có kế hoạch phối hợp chuyển bệnh phẩm đến các đơn vị làm xét nghiệm nhằm chẩn đoán xác định hoặc chuyển bệnh nhân nếu là ca bệnh nặng. Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Trung tâm đã triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ với việc sản xuất tài liệu truyền thông, như: Sản xuất Audio, Infographic, panô khuyến cáo phòng, chống đậu mùa khỉ. Ngoài ra, trung tâm cũng đăng tải các nội dung về bệnh đậu mùa khỉ trên website, Facebook của trung tâm”.

Đặc biệt, Sở Y tế đã chủ động ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trong 3 tình huống: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh, xuất hiện trường hợp bệnh và dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Những tình huống này nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kịp thời điều tra thu thập bệnh phẩm, xét nghiệm xác định, không để dịch lan rộng, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong.

Tăng cường giám sát, phát hiện khi có ca bệnh

Tại buổi kiểm tra, giám sát chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại Bình Dương của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, các đơn vị y tế cho rằng khó khăn lớn nhất là chưa có xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ. Nhân viên y tế chưa có kinh nghiệm, chuyên môn điều trị thực tế bệnh đậu mùa khỉ.

Người mắc đậu mùa khỉ thường có các biểu hiện, như: Đau đầu, sốt, phát ban trên cơ thể, xuất hiện mụn nước, bọng nước sau đó là bọng mủ… Khi có các biểu hiện như trên, người dân cần theo dõi, đến cơ sở y tế chuyên khoa khám ngay để bảo đảm được điều trị sớm nhất nếu mắc bệnh và tránh lây lan mầm bệnh ra cộng đồng”.

(Bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh)

Bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, cho biết: Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Do đó, khâu tổ chức giám sát, tăng cường giám sát dựa vào sự kiện trong cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh là để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Đặc biệt, cần chú ý giám sát tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu và cơ sở khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, chú trọng giám sát trên đối tượng nguy cơ cao gồm người đồng giới và người có suy giảm miễn dịch; đồng thời theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định trong vòng 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống đậu mùa khỉ, thời gian tới Sở Y tế Bình Dương cần tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn toàn tỉnh; Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát, chỉ đạo các bệnh viện giám sát chặt chẽ các trường hợp có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ; đặc biệt là tại các phòng khám da liễu tư nhân, phòng khám bệnh lây qua đường tình dục, phối hợp với chương trình HIV/AIDS để tầm soát những người có hành vi nguy cơ cao trong cộng đồng. Ngành y tế cần phối hợp với ngành công an để giám sát nhóm người có nguy cơ cao; chú trọng, tăng cường truyền thông bằng các hình thức phù hợp, linh hoạt để người dân trên địa bàn có nhận thức đúng về bệnh đậu mùa khỉ. Sở Y tế cần đề nghị các đơn vị chuẩn bị tốt các trang thiết bị để có thể kịp thời thu dung, cách ly các trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh, không để lây lan ra cộng đồng.

 HOÀNG LINH  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=433
Quay lên trên