Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) trong việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thúc đẩy đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, Sở KHCN đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ DN. Đến nay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đổi mới, đầu tư KHCN vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Triển khai nhiều dự án hỗ trợ DN
Ông Ngô Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở KHCN, cho biết qua việc thực hiện Chương trình hỗ trợ DN phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 của tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân trong việc xây dựng, quản lý thương hiệu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó trong giai đoạn này, ý thức về tạo dựng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của DN ngày càng được cải thiện; số đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng 35,2% so với giai đoạn 2006-2010. Trong đó, đáng kể nhất là số đơn giải pháp hữu ích, sáng chế tăng 2,8 lần.
Qua việc đầu tư KHCN vào sản xuất đã giúp các DN trong tỉnh giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: Hệ thống lò nung gốm bằng gas với vỏ lò di động thể tích 70m3 của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ gốm Chấn Thành (xã An Điền, TX.Bến Cát) Ảnh: HOÀNG PHẠM
Với việc triển khai thực hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các DN đầu tư vào hoạt động KHCN và các văn bản pháp luật khác có liên quan, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN đầu tư vào hoạt động KHCN qua 2 giai đoạn 2006- 2010 và 2011-2015. Qua 2 giai đoạn này, tỉnh đã hỗ trợ cho một số DN và tổ chức chuyển giao công nghệ trong và ngoài tỉnh triển khai 18 đề tài, dự án.
Bên cạnh đó, theo ông Dinh, qua việc triển khai Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, năng suất và chất lượng sản phẩm do các DN trên địa bàn tỉnh sản xuất đã dần được nâng lên, nhận thức của chủ DN trong việc áp dụng công cụ cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất cũng được nâng cao. Trong năm 2016, Sở KHCN đã tổ chức họp Hội đồng sơ tuyển giải thưởng chất lượng quốc gia nhằm đánh giá, chấm điểm và đề xuất Hội đồng Quốc gia xem xét giải vàng cho 3 đơn vị là Công ty Cổ phần Tập đoàn Tôn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim và Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Dương.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Việc các DN trong tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, vật liệu mới… đã giúp cho các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cũng như tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I (TX.Thuận An), cho biết với sự hỗ trợ của Sở KHCN, công ty đã nghiên cứu công nghệ đốt một lần lửa trong nung gốm sứ, khi áp dụng vào thực tế đã đem lại hiệu quả cao. Sản phẩm công ty làm ra đem so từng chỉ tiêu như độ trắng, độ mỏng, độ cứng mặt men, độ bóng, kiểu dáng… đều bằng hoặc hơn các hãng sản xuất hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực gốm sứ cao cấp cùng loại. “Nếu như áp dụng công nghệ cũ trong việc sản xuất đồ sứ chén dĩa, công ty phải cần 1.500 người làm việc với năng suất 50.000 - 60.000 sản phẩm/ ngày, nhưng khi công ty áp dụng công nghệ đốt một lần lửa thì năng suất tăng lên 100.000 - 120.000 sản phẩm/ngày cùng với số lượng nhân công như nhau và thời gian của chu kỳ sản xuất chỉ còn 3 ngày so với 15 ngày như trước đây”, ông Minh nói.
Đối với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ gốm Chấn Thành (xã An Điền, TX.Bến Cát), thực hiện chủ trương của UBND tỉnh trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất, công ty đã mạnh dạn chuyển đổi từ nung sản phẩm gốm bằng củi sang bằng gas. Ông Lý Chí Thành, Giám đốc công ty cho biết từ khi áp dụng nung sản phẩm bằng gas, thời gian nung đã giảm xuống đáng kể và có thể nung bất kỳ thời điểm trong ngày; chi phí cho nguyên liệu đốt giảm hơn 40% so với nung bằng củi. Trước đây, đối với các sản phẩm lớn, nung bằng củi rất mất thời gian và nhân công, do phải canh lửa cho từng giai đoạn nung nếu không sản phẩm sẽ không đạt yêu cầu. Khi chuyển qua nung bằng gas thì chỉ cần một người canh lò, nhiệt độ được điều chỉnh qua hệ thống van, thời gian nung giảm và cho sản phẩm đẹp hơn.
Lãnh đạo Sở KHCN cũng đánh giá việc sáng tạo, đổi mới KHCN đã giúp cho các DN trong tỉnh phát triển một cách bền vững và góp phần đưa những sản phẩm “Made in Vietnam” ra thị trường thế giới, với giá cả phù hợp, chất lượng cao.
Hoàng Phạm