Đẩy mạnh mô hình thanh toán không dùng tiền mặt

Cập nhật: 22-12-2023 | 10:00:38

Tiếp nối mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” (TTKDTM), việc đẩy mạnh phát triển TTKDTM tại các chợ trên địa bàn tỉnh sẽ là cơ sở để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên phạm vi toàn tỉnh.

Tiện lợi cho kinh doanh

Hướng tới thực hiện thí điểm mô hình chợ TTKDTM và chợ đạt tiêu chí văn minh thương mại, trong thời gian tới Sở Công thương cùng với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức triển khai hội nghị tập huấn nhằm hỗ trợ, hướng dẫn ban quản lý chợ, các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại và tiểu thương về việc triển khai thực hiện TTKDTM. Đồng thời tuyên truyền, vận động tiểu thương tại các chợ tham gia mô hình này. Hiện có rất nhiều tiểu thương đăng ký cài đặt ứng dụng để phục vụ giao dịch.

 Tham gia buổi tập huấn TTKDTM, bà Cao Lành, tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một, khẳng định sẽ làm “đại sứ” để lan tỏa cách thức thanh toán này đến khách hàng. “Người bán khỏi thối tiền, kiểm soát được thu chi, trong khi khách hàng không gặp rủi ro như bị mất tiền… Chắc chắn tôi phải thuyết phục khách hàng từ bỏ thói quen thanh toán bằng tiền mặt”, bà Lành quả quyết.

Cán bộ Ngân hàng TPbank - Chi nhánh Bình Dương hướng dẫn tiểu thương chợ Phú Lợi cài đặt ứng dụng TTKDTM

“Sạp thịt heo mở bán hơn chục năm nay. Gần đây có khoảng 50% khách có nhu cầu trả tiền qua mã QR, ví điện tử... sắp tới sẽ tăng hơn. Các bạn trẻ và nhiều người lớn tuổi cũng muốn TTKDTM. Tôi muốn cài đặt ứng dụng mã QR là vì thấy phương thức thanh toán mới phù hợp với nhu cầu”, chị Trương Thị Phụng, tiểu thương sạp thịt heo tại chợ Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) nói. Chị Phụng cũng mong muốn sau khi tham gia chương trình sẽ biết cách kiểm soát tốt hơn trong các thu chi không tiền mặt.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn

 Ông Nguyễn Thành Trung, đại diện Doanh nghiệp Trung Kiên, chủ đầu tư hệ thống chợ Quang Vinh cho hay tới đây sẽ tổ chức tuyên truyền đến từng hộ kinh doanh để tiểu thương và người tiêu dùng được biết, thực hiện TTKDTM tại các chợ thuộc hệ thống. Cùng đó sẽ hỗ trợ các đơn vị thanh toán tư vấn giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng cho tiểu thương, từng bước đưa mọi người quen dần với phương thức thanh toán mới.

Bà Đoàn Thị Nụ, đại diện BQL chợ Phú Lợi, cho biết nhằm từng bước thay đổi thói quen mua sắm, cách chi tiêu tại chợtheo hướng văn minh, hiện đại, thời gian qua, BQL chợ Phú Lợi đã khuyến khích tiểu thương sửdụng mãthanh toán QR Code trong việc mua bán hàng hóa. Nhờ đó đến nay, đã có nhiều hộkinh doanh tại chợ sửdụng mãQR Code trong thanh toán. Ở góc độ của đơn vị kết nối triển khai các phương thức thanh toán số cho người dùng, bà Lâm Thị Châu Phương, Giám đốc Ngân hàng thương mại Cổ phần TPbank - Chi nhánh Bình Dương, cho biết tham gia TTKDTM, tiểu thương và người dân có thể dễ dàng theo dõi các khoản chi tiêu, giảm thiểu rủi ro liên quan đến tiền mặt, có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi. Thời gian qua, để góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương này, TPbank đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ đăng ký miễn phí hình thức TTKDTM tại các điểm kinh doanh, chợ để hướng dẫn người dân thanh toán dịch vụ qua ngân hàng. Với 2 ứng dụng TPbank Moblie và TPbank Biz đều phát triển mô hình mini app - nhúng ở tất cả các dịch vụ cho phép khách hàng đăng ký, thanh toán một cách nhanh chóng.

Ngành ngân hàng đã rất tích cực trong thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trong đó có việc thanh toán ngân hàng điện tử. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, hiện tốc độ tăng ở lĩnh vực TTKDTM chưa đạt so với với mục tiêu kỳ vọng. Để tăng độ tiếp cận dịch vụ TTKDTM cho người dân, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về cách sử dụng cũng như các lợi ích, tiện ích và tính an toàn của TTKDTM. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ, ngân hàng cần tiết giảm chi phí, tạo điều kiện miễn giảm phí nhằm kích thích việc TTKDTM trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Tiếp tục nhân rộng, phát triển hơn nữa việc thực hiện mô hình TTKDTM và chợ văn minh thương mại nhằm triển phát triển ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh nhà theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững. Trong giai đoạn 2023-2025, phấn đấu các huyện, thị, thành phố có ít nhất từ 1 đến 2 chợ áp dụng thí điểm mô hình chợ TTKDTM và chợ đạt tiêu chí văn minh thương mại. Các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân cần chung tay, hợp lực nhằm đưa ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh nhà ngày càng phát triển.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=724
Quay lên trên