Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, trong năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã giao Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh chủ trì, phối hợp các sở ngành, địa phương thực hiện bồi thường các công trình trọng điểm thuộc vốn ngân sách Nhà nước và các công trình doanh nghiệp chuyển tiếp từ năm trước. Kết quả, trong năm đơn vị đã hoàn thành khối lượng công việc chuyên môn đối với 13 công trình, trong đó có 7 công trình thuộc vốn ngân sách và 6 công trình thuộc vốn doanh nghiệp.
Công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đoạn qua huyện Bàu Bàng đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Tăng tốc giải ngân
Đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh cho biết, tổng kế hoạch vốn được bố trí cho các công trình trọng điểm năm 2021 hơn 1.441 tỷ đồng. Dựa trên kế hoạch tỉnh giao, thời gian qua trung tâm đã phối hợp các sở ngành và địa phương thực hiện giải ngân 408,8 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến hết tháng 12-2021, đơn vị tiếp tục tăng tốc thực hiện công tác giải ngân thêm với tổng số tiền ước khoảng 439,5 tỷ đồng, lũy kế giải ngân năm 2021 lên 848,3 tỷ đồng, đạt 58,86% so với kế hoạch vốn giao năm 2021.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã buộc phải tạm ngưng hoặc gián đoạn trong thời gian dài. Dù đã nỗ lực rất nhiều trong công tác chuyên môn, nhưng ngành chức năng vẫn không hoàn thành tiến độ chi bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với một số công trình trọng điểm. Theo tìm hiểu, đối với nguồn vốn chưa được giải ngân, trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 ngành chức năng sẽ tiến hành rà soát lại và thực hiện nhanh chóng việc chi tiền cho các tổ chức và người dân.
Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung công tác thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các nhóm công trình trọng điểm được đơn vị chức năng và địa phương phối hợp thực hiện tốt. Trong đó, các dự án như mở rộng, nâng cấp quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng mở rộng, KCN Nam Tân Uyên mở rộng… được thực hiện khá nhanh.
Tiêu biểu như dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với tổng diện tích đất thu hồi trên toàn tuyến hơn 2,4 triệu m². Trong đó, ngoại trừ phần đất giao thông hiện hữu là 96.100m², cần giải tỏa thêm hơn 2,3 triệu m2. Đoạn đi qua địa bàn huyện Bàu Bàng có chiều dài khoảng 8,2km, thu hồi diện tích 411.600m2, có 83 hộ, 4 tổ chức thuộc phạm vi giải tỏa dự án. Thông qua sự phối hợp chặt chẽ, liền lạc giữa ngành chức năng và địa phương, đến nay, UBND huyện Bàu Bàng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 4 đợt (1, 2, 3, 4) đối với 72/85 trường hợp với số tiền 296,14 tỷ đồng. Hiện địa phương đã hoàn thành công tác chi trả tiền đối với 63/73 trường hợp với tổng số tiền là 270,19 tỷ đồng. Còn lại 9/12 trường hợp với số tiền 25,95 tỷ đồng chưa chi, hiện Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh đang mời chi trả, dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 12-2021.
Hoàn thành tốt công tác định giá đất
Đối với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, việc khảo sát, xác định quỹ đất để phục vụ các công trình luôn được xem là yếu tố mang tính tiên quyết. Trong đó, việc điều tra, khảo sát và hoàn thành dự thảo định giá đất đối với từng khu vực theo đúng thời điểm sẽ giúp công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Ý thức được điều này, nhiều năm qua ngành TN&MT tỉnh luôn có những ý kiến, quan điểm mang tính sáng tạo, kịp thời tham mưu, tư vấn phương án phù hợp thực tiễn đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, trong năm 2021 sở đã giao Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh phối hợp đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát xác định giá đất cụ thể đối với 5 công trình. Kết quả, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt giá đất cụ thể 2 công trình gồm Dự án Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đoạn Phú Giáo - Bàu Bàng và Dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II. Trong số này có 2 dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở TN&MT, hội đồng thẩm định giá đất đã tổ chức họp thông qua Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 và dự án KCN Bàu Bàng mở rộng. Những dự án này đang được đơn vị tư vấn thu thập hồ sơ pháp lý theo ý kiến của Sở TN&MT trước khi thông qua hội đồng thẩm định giá đất.
Trong năm 2021, ngành chức năng cũng đã phối hợp địa phương và các ngành chuyên môn tiến hành đo đạc, kiểm đếm đất, tài sản trên đất, thu thập, hoàn chỉnh hồ sơ đã kiểm kê để xây dựng phương án bồi thường với 217 hộ và 38 tổ chức thuộc 4 công trình. Đây là một trong những công tác chuyên môn quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra tranh chấp, kiện tụng liên quan đến quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đối với những dự án mang tính trọng điểm của tỉnh nhà.
Trên cơ sở phối hợp tốt với ngành chức năng và địa phương, đồng thời thực hiện tuyên truyền, vận động tốt tới người dân, thời gian qua ngành TN&MT đã hỗ trợ các chủ đầu tư dự án tổ chức nhiều buổi vận động các trường hợp đã nhận tiền tháo dỡ tài sản, bàn giao mặt bằng. Qua đó, tổ chức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công kịp thời đối với 331 trường hợp. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp giảm tỷ lệ đội vốn do chờ thi công đối với các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Sở TN&MT cũng giao Trung tâm Phát triển Quỹ đất phối hợp đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại đối với 8 tổ chức thuộc 3 công trình, xác định dự toán chi phí xây dựng thuộc 1 công trình. Kết quả, trong 11 tháng đầu 2021, đơn vị đã hoàn thành công tác khảo sát, xác định chi phí đầu tư đối với 6 tổ chức thuộc 2 công trình đang áp giá, lập phương án. Dự kiến thông qua hội đồng bồi thường đầu tháng 12-2021 để có cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Riêng đối với 2 tổ chức thuộc “Dự án ĐT743 đoạn qua TP.Dĩ An”, đơn vị tư vấn đang chỉnh sửa lại chứng thư theo ý kiến của Sở Tài chính, dự kiến họp thông qua hội đồng bồi thường đầu tháng 12-2021. |
ĐÌNH THẮNG