Để hàng Việt ra “biển lớn”

Cập nhật: 10-05-2016 | 09:10:21

Hội nhập kinh tế của nước ta đang ngày càng lan tỏa từ lĩnh vực nông nghiệp đến công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Trong guồng máy kinh tế toàn cầu, chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh sòng phẳng. Một trong những vấn đề mà Nhà nước và doanh nghiệp đang rất quan tâm hiện nay là phải sớm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Hàng hóa, dịch vụ từ các nước trong khu vực, trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đã và đang thâm nhập sâu rộng thị trường nội địa. Thực tế, thị trường bán lẻ trong nước đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của các tập đoàn lớn các nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi các sản phẩm nội địa vẫn còn thiếu sức cạnh tranh do chưa được đầu tư đúng mức cho việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Thực tế thời gian gần đây cho thấy, cùng một sản phẩm bánh kẹo chất lượng như nhau nhưng người Thái đã biết cách làm cho sản phẩm của mình nâng cao giá trị thương mại bằng hình thức, mẫu mã bao bì đẹp bắt mắt người tiêu dùng so với các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.

Tương tự, đối với dịch vụ taxi đi chung của Tập đoàn UBER (Hoa Kỳ) mới xuất hiện tại Việt Nam một vài năm gần đây đã nhanh chóng lấy được thiện cảm của khách hàng trong nước bởi thái độ phục vụ chu đáo, ân cần. Đó là cách UBER nâng cao giá trị gia tăng dịch vụ của mình bằng văn hóa ứng xử đối với khách hàng. UBER đã và đang tiếp tục thách thức với các ông lớn chuyên phục vụ taxi tại thị trường Việt Nam như Mai Linh, Vinasun… Đây là hãng taxi lớn của thế giới nhưng điều khác biệt ở chỗ họ không hề sở hữu bất cứ chiếc taxi nào. Hiện UBER đã có mặt tại 56 nước trên thế giới. Còn tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) sở hữu tập đoàn bán lẻ lớn nhất toàn cầu nhưng bản thân Alibaba không sản xuất ra bất cứ sản phẩm nào. Tất cả là nhờ sự phục vụ uy tín, nhanh, gọn và phần hậu mãi chăm sóc khách hàng cực tốt. Những tập đoàn lớn, những tỷ phú đô la chính là bậc thầy nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Qua những thực tế nói trên phần nào giúp các doanh nghiệp thấu hiểu việc nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm không “đao to búa lớn” như mọi người từng nghĩ. Tất cả được bắt đầu từ việc quan tâm hơn đến mẫu mã, bao bì… và cung cách phục vụ chuyên nghiệp cho mỗi khách hàng chính là cách nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và cả thương hiệu của doanh nghiệp.

HOÀNG PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên