Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 28/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 5h30 ngày 15/6 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 7.978.917 ca nhiễm và 435.057 ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 4.096.029 người.
Trung Quốc kêu gọi ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan tại Bắc Kinh
Theo THX, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan ngày 14/6 kêu gọi đưa ra các biện pháp kiên quyết nhằm ngăn chặn sự lây lan các ổ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại thủ đô Bắc Kinh.
Phát biểu của bà Tôn Xuân Lan được đưa ra tại cuộc họp về cơ chế kiểm soát và phối hợp ngăn ngừa COVID-19 của Quốc vụ viện Trung Quốc. Nhấn mạnh các ổ dịch mới tại Bắc Kinh đều liên quan tới chợ đầu mối Tân Phát Địa - địa điểm có đông người lui tới, Phó Thủ tướng Trung Quốc cảnh báo nguy cơ cao virus SARS-CoV-2 lây lan, đồng thời yêu cầu đưa ra các biện pháp ứng phó kiên quyết.
Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan kêu gọi "các cuộc điều tra dịch tễ chặt chẽ nhất" tại chợ này và khu vực xung quanh, cũng như "truy dấu triệt để" nhằm xác định và kiểm soát nguồn lây.
Bà nhấn mạnh phải tăng cường năng lực xét nghiệm acid nucleic tại Bắc Kinh để có thể kiểm soát tất cả các khu vực chủ chốt cũng như các nhóm dân cư then chốt, mở rộng phạm vi xét nghiệm nhằm nhanh chóng phát hiện các ca mắc bệnh cũng như những trường hợp không có triệu chứng.
Bà Tôn Xuân Lan kêu gọi cộng đồng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, sàng lọc các ca nhiễm, ca nghi nhiễm, những bệnh nhân bị sốt có thể mang bệnh, cũng như các nguồn tiếp xúc gần, đưa họ đi cách ly tại các cơ sở được chỉ định.
Trong khi đó, theo phóng viên tại Thái Lan, đa số người dân Thái Lan được hỏi không còn lo ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng chưa muốn du khách nước ngoài sớm trở lại dù tình hình dịch bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này đang cải thiện và lệnh giới nghiêm ban đêm được dỡ bỏ từ ngày 15/6.
Kết quả thăm dò dư luận của Viện Quản lý phát triển quốc gia (NIDA) công bố ngày 14/6 cho thấy 52,76% số người được hỏi nói rằng không còn sợ bệnh COVID-19 do Thái Lan không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng từ nhiều ngày qua và họ tin tưởng vào công việc của các nhân viên y tế.
Cuộc khảo sát được tiến hành vào ngày 8-9/6 đối với 1.270 người từ 15 tuổi trở lên ở nhiều trình độ giáo dục và nghề nghiệp khác nhau trên cả nước.
Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit thực hiện được công bố cùng ngày cho thấy đa số người dân Thái Lan được hỏi (75,72%) không muốn du khách nước ngoài trở lại sớm vì cho rằng người nước ngoài có thể làm lây lan dịch COVID-19 và người dân Thái sẽ có thể là những người đầu tiên lây nhiễm.
Về câu hỏi khi nào thì du lịch của Thái Lan sẽ trở lại bình thường sau khi tình hình hình COVID-19 được kiểm soát, 41,4% trả lời 1 năm, trong khi 25,9% nói là 6 tháng, 20,52% cho là 2 năm và 12,18% nghĩ rằng hơn 2 năm.
Thăm dò của Đại học Suan Dusit được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 9-12/6 đối với 1.116 người trên khắp đất nước để thu thập ý kiến sau khi Chính phủ Thái Lan công bố nới lỏng phong tỏa và mời người dân đến thăm những điểm du lịch của đất nước để giúp kích thích nền kinh tế.
EU nỗ lực đảm bảo nguồn cung vắcxin
Bốn nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), gồm Hà Lan, Đức, Italy và Pháp, đã đàm phán và đạt được thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Thụy Điển và Anh nhằm đảm bảo việc cung ứng 300 triệu liều vắcxin cho người dân trong khối. Theo đó, toàn bộ các nước thành viên EU sẽ có vắcxin phòng COVID-19 ngay khi loại vắcxin này được tìm ra.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) đã sẵn sàng chi khoảng 2,4 tỷ euro để đảm bảo việc thực thi thỏa thuận này. Việc nhanh chóng thực hiện khoản thanh toán này sẽ cho phép tập đoàn AstraZeneca tập trung đầu tư vào khả năng sản xuất vắcxin.
Các bộ trưởng y tế 4 nước Hà Lan, Đức, Italy và Pháp đã bày tỏ vui mừng về hợp đồng mua vắcxin phòng COVID-19 đã đạt được với AstraZeneca. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Vương quốc Bỉ, bà Maggie De Block lại chỉ trích kế hoạch này khi cho rằng nó sẽ làm suy yếu nỗ lực của EU trong khuyến khích nghiên cứu vắcxin, vốn đang được tiến hành, và khi vắcxin được tìm ra và sản xuất cũng cần nhận được đặt hàng của 27 quốc gia thành viên. Kế hoạch này ít có khả năng diễn ra nếu EU lại chuyển sang một kế hoạch khác.
AstraZeneca hiện đang chờ đợi kết quả về tính hiệu quả của vắcxin phòng COVID-19 vào tháng 9 tới, đây là kết quả hợp tác của hãng với Đại học Oxoford. Việc hoàn thiện và đưa vào sản xuất vắcxin có thể được hoàn tất từ nay tới cuối năm.
Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn ngày 14/6 cho biêt ứng dụng trên điện thoại di động để truy vết tiếp xúc của người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Đức sẽ được đưa vào vận hành bắt đầu từ tuần này.
Theo phóng viên tại Đức, tập đoàn viễn thông Deutsche Telekom phối với với công ty phần mềm SAP phát triển ứng dụng, sử dụng công nghệ vô tuyến sóng ngắn bluetooth nhằm phát hiện và liên lạc những người có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mà không lệ thuộc vào một cơ sở dữ liệu trung tâm.
Cụ thể, ứng dụng sẽ tự nhận diện một máy khác ở khoảng cách dưới 2m trong khoảng thời gian từ 15 phút trở lên. Một số nhận dạng ẩn danh sẽ được truyền đi cứ sau 2 phút rưỡi đến 5 phút và địa điểm cuộc gặp không được ghi lại. Nếu người dùng ứng dụng dương tính với COVID-19 và thông tin này được chia sẻ trong ứng dụng, người dùng khác sẽ được thông báo đang ở gần người bị nhiễm.
Sau những trì hoãn nhằm đảm bảo công nghệ bluetooth có thể làm việc ở khoảng cách chuẩn, Chính phủ Đức cho biết ứng dụng trên sẽ là công cụ quan trọng để có thể tránh một làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Hiện chưa rõ thời điểm cụ thể triển khai ứng dụng, song truyền thông Đức cho biết người dân có thể bắt đầu tải ứng dụng từ ngày 16/6 này.
Ngoài đề cập ứng dụng trên, Bộ trưởng Sphan cũng khuyến cáo người dân Đức cần cẩn trọng khi đi du lịch và chỉ đi khi thực sự cần thiết trong bối cảnh việc kiểm soát biên giới châu Âu được dỡ bỏ từ ngày 15/6 và Đức cũng dỡ bỏ cảnh báo đi lại tới các nước Liên minh châu Âu (EU) và Anh, thay vào đó có những khuyến cáo đi lại cụ thể đối với từng nước và khu vực. Trong khi đó, Đức vẫn giữ cảnh báo đi lại tới trên 160 nước ngoài EU cho tới cuối tháng 8 tới.
Tối 14/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh "chiến thắng đầu tiên" của nước này trước virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp COVID-19, nhưng cảnh báo cần phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội "trong một thời gian dài."
Theo phóng viên tại Paris, trong bài phát biểu trên truyền hình lần thứ 4 kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Tổng thống Macron tuyên bố toàn bộ các vùng của nước Pháp, ngoại trừ lãnh thổ hải ngoại Mayotte và Guyana nơi virus SARS-CoV-2 vẫn còn đang lây lan mạnh, sẽ được xếp loại an toàn kể từ ngày 15/6. Các quán càphê và nhà hàng tại vùng thủ đô Île-de-France được phép mở cửa trở lại.
Các trường học của nước Pháp tiến hành các biện pháp chuẩn bị để có thể tiếp nhận tất cả học sinh như bình thường từ ngày 22/6. Các gia đình được phép đến thăm người thân tại các viện dưỡng lão. Bên cạnh đó, vòng bầu cử địa phương lần thứ 2 có thể diễn ra vào ngày 28/6.
Tổng thống Macron cho biết người dân Pháp sẽ được tự do di chuyển trong châu Âu từ ngày 15/6, cũng như đến các quốc gia bên ngoài châu Âu nơi dịch bệnh được kiểm soát từ ngày 1/7.
Ông Macron loại bỏ khả năng tăng thuế để đầu tư cho sự phục hồi kinh tế và nhấn mạnh "ưu tiên hàng đầu của chúng ta là xây dựng lại một nền kinh tế mạnh mẽ, sinh thái, có chủ quyền và thống nhất", đồng thời tái khẳng định Chính phủ đã huy động gần 500 tỷ euro cho các biện pháp phục hồi nền kinh tế.
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đang ngày càng lan rộng trên cả nước, Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn tăng cường đoàn kết dân tộc, song loại trừ việc "viết lại" lịch sử. Ông hứa sẽ đưa ra những quyết định mạnh mẽ vì sự bình đẳng của tất cả người dân.
Dự kiến, Tổng thống Macron sẽ có bài phát biểu tiếp theo vào tháng 7, thời điểm kết thúc tình trạng y tế khẩn cấp, sau khi tham khảo ý kiến của các cố vấn và đối tác.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 2h30 sáng 15/6 (theo giờ Hà Nội), Pháp ghi nhận tổng cộng 157.220 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 29.407 ca tử vong, 72.859 bệnh nhân đã bình phục và 869 người đang phải điều trị tích cực.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 14/6 công bố nước này ghi nhận thêm 338 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 236.989 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy tăng 44 ca lên 34.345 trường hợp và số ca hồi phục là 176.370 người (tăng 1.505 ca). Cơ quan Bảo vệ dân sự cho biết số ca nhập viện với các triệu chứng hiện là 3.594 người (giảm 153 trường hợp), trong đó số ca điều trị tích cực chỉ còn 209 ca (giảm 11 trường hợp).
Pakistan cảnh báo dịch COVID-19 ở nước này sẽ đạt đỉnh với hơn 1 triệu ca nhiễm
Theo AFP, Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan Asad Umar ngày 14/6 cảnh báo số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này có thể tăng gấp đôi trước cuối tháng 6 và đạt đỉnh với hơn 1 triệu ca nhiễm chỉ một tháng sau đó.
Cảnh báo của Bộ trưởng Umar đưa ra trong bối cảnh nhiều người dân Pakistan tiếp tục phớt lờ những chỉ dẫn về giãn cách xã hội, giữ gìn vệ sinh cũng như các biện pháp khác nhằm đối phó với dịch bệnh.
Vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Novavax ở Gaithersburg, Maryland, Mỹ, ngày 20/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Pakistan hiện ghi nhận gần 140.000 ca mắc COVID-19, trong đó có gần 2.700 ca tử vong. Giới chức nước này đã tăng cường công tác xét nghiệm, dù vậy, năng lực xét nghiệm của Pakistan vẫn còn hạn chế nên con số mắc COVID-19 thực tế được cho là cao hơn.
Bộ trưởng Umar - người tham gia điều phối công tác ứng phó với COVID-19 của chính phủ - nêu rõ: "Chuyên gia ước tính rằng số ca nhiễm có thể lên tới 300.000 người trước cuối tháng 6 nếu chúng ta tiếp tục coi thường các quy trình thao tác tiêu chuẩn (SOP) và xem nhẹ vấn đề. Chúng tôi lo ngại số ca nhiễm có thể tăng hơn 1,2 triệu ca trước cuối tháng sau."
Ban đầu, Pakistan và các quốc gia Nam Á có tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn so với các nước phương Tây, song hiện số ca nhiễm tại những nước trong khu vực này đang gia tăng nhanh chóng.
Số ca bệnh tại Pakistan tăng cao là do người dân vi phạm các biện pháp hạn chế của chính phủ, cũng như tụ tập đông người tại các đền thờ và các khu chợ, hầu hết đều không sử dụng khẩu trang và găng tay, trong tháng lễ Ramadan cũng như trước dịp lễ Eid hồi tháng trước.
Theo phóng viên tại Trung Đông, Saudi Arabia ngày 14/6 đã kêu gọi người dân tuân thủ các quy định y tế nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan, trong bối cảnh nước này lần đầu tiên ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm mới trong một ngày.
Bộ Y tế Saudi Arabia công bố trong vòng 24 giờ qua, nước này có 4.233 bệnh nhân COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 127.541 người, trong đó có 972 trường hợp tử vong, đứng đầu trong số các quốc gia Arab vùng Vịnh. Số bệnh nhân đã phục hồi và xuất viện đến nay tại nước này là 84.720 người, trong khi vẫn còn 1.855 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Saudi Arabia, quốc gia có dân số khoảng 30 triệu người, đã cho phép người lao động trở lại làm việc, các trung tâm thương mại mở cửa trở lại và các tín đồ Hồi giáo được phép cầu nguyện tại các nhà thờ theo 3 giai đoạn kể từ tháng 5 vừa qua. Bên cạnh đó, lệnh phong tỏa đối với thành phố Jeddah (Giê-đa), điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 2 nước này chỉ sau thủ đô Riyadh, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 21/6.
Cảnh báo của Bộ Y tế Saudi Arabia được đưa ra sau khi một quốc gia Trung Đông khác là Iran cũng có động thái tương tự. Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 13/6 cho hay sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trở lại nếu người dân không tuân thủ quy định.
Ông cho rằng nguyên nhân khiến số ca mắc mới trong ngày ở nước này tăng vọt là do nhiều công dân không tuân thủ các biện pháp được triển khai để hạn chế virus SARS-CoV-2 lây lan.
Ngày 14/6, nhà chức trách Iran đã ghi nhận thêm 107 ca tử vong do COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca COVID-19 không qua khỏi tại đây lên 8.837 ca. Đây là lần đầu tiên trong 2 tháng qua Iran thông báo hơn 100 ca tử vong mới trong một ngày.
Iran ghi nhận thêm 2.472 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 187.427 ca. Số bệnh nhân đã phục hồi và xuất viện đến nay tại Iran là 148.674 người, trong khi vẫn còn 2.781 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Số ca nhiễm và nhập viện tăng đột biến tại một số bang của Mỹ
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và nhập viện trong ngày 14/6 tăng kỷ lục ở nhiều tiểu bang của Mỹ, trong đó có Florida (Phlo-ri-đa) và Texas (Tếch-dớt), trong bối cảnh hầu hết các bang trên toàn nước Mỹ đang thúc đẩy việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Phóng viên tại Mỹ dẫn số liệu thống kê của hãng tin Reuters cho biết bang Alabama, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tổ chức một cuộc vận động tranh cử trong nhà vào ngày 20/6 tới, đã có số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong 4 ngày liên tiếp tính đến 14/6.
Trong khi đó, các bang khác như Alaska, Arizona, Arkansas, California, Florida, Bắc Carolina, Oklahoma và Nam Carolina đều ghi nhận có số ca nhiễm mới kỷ lục trong 3 ngày vừa qua. Tại Louisiana, một trong những điểm nóng dịch trước đó, số trường hợp nhiễm mới lại tăng với hơn 1.200 người, nhiều nhất kể từ ngày 21/5.
Tính riêng ngày 13/6, trên toàn nước Mỹ có 25.000 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong một ngày thứ Bẩy kể từ ngày 2/5. Các quan chức y tế cho rằng sự gia tăng số ca nhiễm mới virus SARS-COV-2 có thể là do một phần của các cuộc tụ tập vào tuần lễ Chiến sĩ trận vong (Memorial Day) vào cuối tháng 5 và cũng có thể do sự gia tăng đáng kể số lượng các xét nghiệm.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy, số lượng các ca nhập viện vì virus SARS-COV-2 tại một số bang của Mỹ cũng tăng kỷ lục mặc dù số liệu này không bị tác động bởi tỷ lệ xét nghiệm. Các bang như Arkansas, Bắc Carolina, Texas và Utah (U-ta) đều có số lượng bệnh nhân kỷ lục vào ngày 13/6. Ở bang Nam Carolina, 69-77% giường bệnh đã được sử dụng để phục vụ bệnh nhân COVID-19 theo từng khu vực.
Số liệu trên làm dấy lên lo ngại về làn sóng bùng phát dịch thứ 2 khi các bang đang chuẩn bị cho việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trong khi một số bang không đáp ứng được các điều kiện để mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, hầu hết các bang sẽ không thể xem xét việc đóng cửa lần thứ 2 do họ phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức 2 con số.
Trước nguy cơ trên, không chỉ các chuyên gia y tế mà một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump cũng khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang che mặt cũng như tránh các tụ họp đông người để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong một phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định người dân cần phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn, giữ khoảng cách xã hội và phải che mặt tại những nơi quan trọng.
Chuyên gia cảnh báo xu hướng ca mắc mới gia tăng ở châu Phi
Ngày 14/6, ông Costantinos Bt. Costantinos - thành viên của Uỷ ban kinh tế Liên hợp quốc tại châu Phi (UNECA) đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc COVID-19 mới tại châu Phi, đặc biệt khi tình trạng này tập trung ở một số quốc gia.
Phóng viên thường trú tại châu Phi dẫn số liệu do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) công bố, từ ngày 2-10/6, các nước châu Phi đã ghi nhận 43.812 ca mắc mới, tăng 29% so với tuần trước đó. Khoảng 72% số ca mắc mới tập trung ở 5 nước là Nam Phi (38%), Ai Cập (21%), Nigeria (5%), Cameroon và Ghana (cùng 4%).
Theo ông Constatinos, tuy số ca mắc COVID-19 ở châu Phi chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số người bệnh toàn cầu, song tình hình kinh tế và xã hội ở châu Phi lại chịu ảnh hưởng tương đối nặng nề, do giá dầu và nguyên liệu thô giảm mạnh, sự mất giá của đồng nội tệ…, đang làm tăng áp lực nợ nước ngoài.
Trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng mạnh tại châu Phi, nhiều chuyên gia đã kêu gọi sự đoàn kết quốc tế và tăng cường hỗ trợ cho cuộc chiến chống COVID-19 tại đây. Ông Antonio Pedro - người đứng đầu văn phòng tiểu vùng Trung Phi của UNECA, khẳng định, chỉ thông qua quan hệ đối tác toàn cầu, mới có thể đối phó đại dịch hiệu quả. Nếu không được giải quyết triệt để tại châu Phi, công tác phòng chống dịch COVID-19 trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Truyền thông Ai Cập ngày 14/6 dẫn nguồn Bộ Y tế nước này cho biết quốc gia Bắc Phi đã ghi nhận thêm 1.618 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 44.598 người.
Đáng chú ý, số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này tăng thêm 91 trường hợp, đánh dấu số trường hợp tử vong cao kỷ lục trong ngày và nâng tổng số ca tử vong lên 1.575 người.
Phóng viên thường trú tại địa bàn cho hay thủ đô Cairo và các tỉnh Giza và Qalioubiya hiện là 3 khu vực ghi nhận tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất, trong khi tỉnh Biển Đỏ, Matrouh và Nam Sinai ghi nhận số ca nhiễm bệnh thấp nhất.
Theo kế hoạch, Ai Cập sẽ nối lại các chuyến bay quốc tế từ ngày 1/7 tới. Hiện quốc gia Bắc Phi cũng đang tích cực vực dậy ngành du lịch, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Cũng trong ngày 14/6, Maroc cho biết bắt đầu viện trợ y tế, gồm gần 8 triệu khẩu trang y tế, cho 15 quốc gia châu Phi để giúp các nước này chống đại dịch COVID-19.
Phóng viên thường trú tại châu Phi cho hay, ngoài khẩu trang, gói viện trợ cũng bao gồm 30.000 lít gel hydro-alcoholic và 75.000 hộp thuốc chloroquine, thuốc chống sốt rét được sử dụng ở Maroc và ở một số quốc gia khác trong điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Tất cả các sản phẩm và thiết bị này được sản xuất tại Maroc và đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Kế hoạch viện trợ đã được bắt đầu thực hiện từ ngày 14/6./.
Theo TTXVN