Ngày 11-6, Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 7.300 trường hợp mắc tay-chân-miệng, chủ yếu là trẻ em, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 26 trường hợp tử vong.
Đặc biệt chỉ trong vòng một tuần qua đã có thêm gần 1.200 ca mắc tại 28 tỉnh thành. Hiện nay, toàn bộ tỉnh thành phố khu vực phía Nam đều ghi nhận có dịch bệnh nguy hiểm này, chiếm tới 94,7% số ca mắc của cả nước với 24 bệnh nhân tử vong.
Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Nhi đồng 1.
Đáng chú ý, dịch bệnh tay-chân-miệng cũng bắt đầu lây lan ra miền Bắc. Qua giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tại miền Bắc ghi nhận 14 trường hợp mắc tại 6 tỉnh và không có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, trong số những trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng ở phía Bắc cũng đã ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh do Enterovirus 71 (EV71) - loại virus nguy hiểm làm nhiều người mắc và tử vong vì bệnh tay-chân-miệng từ đầu năm tới nay ở phía Nam.
Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, EV71 không phải là virus mới, nhưng là loại virus thường gây ra triệu chứng lâm sàng nặng, khiến người bệnh, nhất là trẻ nhỏ tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay không có bằng chứng thuyết phục nào về sự biến chủng của virus EV71 có thể làm tăng quá trình nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương và gây tử vong như một số thông tin lo ngại trong thời gian qua.
Cục Y tế dự phòng nhận định, mặc dù năm nay số ca mắc tay-chân-miệng tăng mạnh nhưng không phải là hiện tượng bất thường bởi đây là dịch bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa và tiếp xúc, bệnh gia tăng mạnh từ tháng 4 đến tháng 6.
Tuy nhiên, năm nay dịch tay-chân-miệng phức tạp hơn do nhiều yếu tố, đặc biệt là đường lây phong phú, tác nhân gây bệnh khác nhau... nên việc phát hiện, đặc biệt là ở trẻ em cũng như công tác cách ly chưa được làm tốt tại cộng đồng. Đồng thời, nhận thức của người dân về bệnh này còn hạn chế nên dịch bùng phát mạnh.
Theo SGGP