Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Báo cáo dịch tễ của bệnh nhân 237 có liên quan nhiều cơ sở y tế (Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Đức Giang, Viện huyết học và truyền máu, Bệnh viện E), giao lại cho ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Hà Nội xử lý coi như một tâm dịch để có các biện pháp triển khai quyết liệt, tránh lây lan ra cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương,” có sự tham dự của 27 điểm cầu là các tỉnh, thành phố có ca mắc COVID-19.
Theo đánh giá từ Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang vẫn diễn biến phức tạp. Việt Nam hiện nay có 239 người mắc trên 25 tỉnh/thành phố và 90 trường hợp đã công bố chữa khỏi, chưa có ca tử vong. Nhưng hiện nay dịch bệnh vẫn tiểm ẩn những nguy cơ lan rộng ra cộng đồng.
Ông Tuyên cho rằng để thực hiện tốt việc khoanh vùng dập dịch, đề nghị các địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ như nghiêm túc triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, đặc biệt là triển khai quyết liệt Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương nghiên cứu các kết luận phiên họp của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia và họp bàn báo cáo giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác phòng chống dịch tại địa phương ít nhất 2 ngày/lần.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo các địa phương phải phân công cán bộ trực phòng chống dịch 24/24 và báo cáo ngay số điện thoại trực về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tổng hợp để Ban Chỉ đạo có kênh liên lạc và chỉ đạo kịp thời về công tác phòng chống dịch.
Ban chỉ đạo Quốc gia đã ban hành kế hoạch cập nhập bổ sung đối với các cấp độ dịch trong tình hình dịch rất phức tạp hiện nay. Hiện, Ban Chỉ đạo xác định dịch đang ở cấp độ 3.
Bộ Y tế cũng đề nghị ban chỉ đạo các địa phương căn cứ vào kế hoạch mới nhất của Ban chỉ đạo Quốc gia và tình hình cụ thể của địa phương mình để xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp với tình hình dịch của địa phương, chuẩn bị phương án trong trường hợp dịch lan rộng.
Theo thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Chính phủ đã có Nghị quyết 37/2020/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 và quyết định 437/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế cũng đề nghị Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam chỉ đạo Mặt trận tổ quốc các tỉnh triển khai, phát động Quỹ ủng hộ phòng chống dịch; Đề nghị các địa phương căn cứ vào các văn bản để triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng quy định xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng trục lợi.
Trong công tác khoanh vùng, dập dịch cần thực hiện tốt để hạn chế việc lây lan dịch bệch ra cộng đồng, thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng,” theo phương châm phát hiện và cách ly. Thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội của Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ, cách ly xã hội là giãn cách xã hội chứ không phải là ngăn sông cấm chợ.
Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, thông báo của Bộ Y tế về danh sách người nước ngoài từ Việt Nam về và những người đến khám, chăm sóc phục vụ người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai; những ai có liên quan đến lịch trình di chuyển của BN 237, tuyên truyền hướng dẫn để người dân biết tự khai báo…
Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật những đối tượng cố tình không chấp hành quy định về cách ly y tế, bố trí khu cách ly riêng cho đội ngũ nhân viên y tế để vừa cách ly vừa thực hiện công tác phòng chống dịch./.
Theo TTXVN