Hệ thống sông rạch vùng đô thị Nam Bình Dương đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Dương. Tuy nhiên, môi trường nước mặt kênh, rạch nói riêng và môi trường đô thị phía Nam của Bình Dương nói chung đã và đang chịu nhiều áp lực từ nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau, đặc biệt là từ hoạt động nhân sinh như nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt...
Không chỉ nạo vét kênh rạch, tuổi trẻ TP.Thủ Dầu Một còn chăm sóc cây xanh 2 tuyến kênh
Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015-2017 cho thấy các kênh, rạch là nguồn tiếp nhận nước thải công nghiệp và đô thị khu vực Nam Bình Dương như suối Cát, suối Giữa, rạch Ông Đành, suối Chòm Sao, suối Siệp, suối Bưng Cù, kênh Ba Bò, rạch Lái Thiêu, rạch Vĩnh Bình... bị ô nhiễm hữu cơ khá nặng, nồng độ NH3 vượt quy chuẩn từ 2,8 đến 70,93 lần, BOD5 vượt từ 1,16 đến 22,7 lần. Tình trạng ô nhiễm trên các kênh, rạch phía Nam của tỉnh trong thời gian qua làm suy giảm chất lượng nguồn nước mặt và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo về môi trường liên quan đến chất lượng nguồn nước.
Do vậy, việc điều tra, đánh giá đầy đủ các nguồn thải vào lưu vực từng kênh, rạch nằm trên địa bàn phía Nam của tỉnh và đánh giá khả năng chịu tải của từng kênh, rạch là một nhiệm vụ rất cần thiết. Đây chính là cơ sở để xây dựng các giải pháp, biện pháp cụ thể, căn cơ nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trên các kênh, rạch là nguồn tiếp nhận nước thải công nghiệp và đô thị phía Nam tỉnh. Trước tình hình đó, từ năm 2016-2018, Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường thực hiện đề tài “Điều tra đánh giákhả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm các kênh, rạch vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương” nhằm phục vụ đắc lực và kịp thời cho công tác quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường nói chung và môi trường nước mặt nói riêng, góp phần tích cực trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh.
Đề tài dự kiến nghiệm thu, bàn giao cho Sở Khoa học công nghệ vào tháng 12-2018. Kết quả đến nay đã đạt được các mục tiêu chính, như phân vùng tiểu lưu vực cho 09 kênh, rạch, suối chính khu vực Nam Bình Dương; điều tra, khảo sát, lấy mẫu phân tích chất lượng nước mặt tại 239 vị trí được phân bố từ thượng nguồn xuống hạ nguồn thuộc 10 tiểu lưu vực để đánh giá hiện trạng tài nguyên nước 9 kênh, rạch, suối chính vùng đô thị Nam Bình Dương; điều tra, khảo sát, thu thập thông tin 1.261 cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ khu vực Nam Bình Dương; lấy, phân tích kết quả 203 mẫu nước thải tại 200 cơ sở và 25 KCN thuộc 10 tiểu lưu vực nghiên cứu; tính toán tải lượng nước thải khu vực Nam Bình Dương để đánh giá hiện trạng và dự báo tải lượng xả nước thải vào nguồn nước đến năm 2020 và năm 2030; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của các 9 kênh, rạch, suối chính khu vực Nam Bình Dương bằng phương pháp mô hình Mike 11 và dự báo khả năng tiếp nhận đến năm 2020, 2030; cập nhật cơ sở dữ liệu nguồn thải công nghiệp của 1.261 cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực Nam Bình Dương; đồng thời đề xuất 4 nhóm giải pháp quản lý, kiểm soát chất lượng nước cho lưu vực kênh, rạch, suối chính khu vực Nam Bình Dương, trong đó giải pháp nâng cao nhận thức, kết hợp hoàn thiện cơ chế chính sách là quan trọng nhất.
P.V