Hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCHXH) chi nhánh Bình Dương ngày càng nề nếp, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách được phục vụ một cách tốt nhất. Đây là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính của NHCSXH chi nhánh Bình Dương.
Vì lợi ích hộ vay vốn
Với phương châm hoạt động “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”, trong những ngày đầu hàng tháng, NHCSXH chi nhánh Bình Dương lên kế hoạch giải ngân cố định tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Lịch giải ngân rất chi tiết, cụ thể, như: Điểm giao dịch; ngày giao dịch; thời gian giao dịch… gửi đến các xã, phường, thị trấn để chuẩn bị chu đáo.
Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương hướng dẫn khách hàng về nội quy giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội
Vào các ngày 8 và 12-8 vừa qua, lịch giải ngân vốn được tổ chức tại phường Phú Mỹ và Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một), thời gian từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ. Để chuẩn bị phục vụ chu đáo cho đối tượng đến giao dịch, NHCSXH chi nhánh Bình Dương phân công cán bộ phục vụ tại điểm giao dịch phường Phú Mỹ, Phú Thọ thực hiện nhiệm vụ của tổ giao dịch để đồng hành mang vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo ghi nhận, đến giờ giao dịch tại hội trường của phường Phú Mỹ và Phú Thọ công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, khách hàng đến trả nợ gốc, nhận tiền vay, gửi tiết kiệm hoặc có những ý kiến, đề xuất liên quan đến các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai thực hiện trên địa bàn, thì cán bộ và nhân viên NHCSXH chi nhánh Bình Dương giải thích để khách hàng hiểu rõ.
Chị Nguyễn Ngọc Châu, ở phường Phú Mỹ, cho biết hoạt động của điểm giao dịch xã, phường, thị trấn là mô hình rất phù hợp, thuận lợi, giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai, minh bạch; đồng thời cung cấp thông tin cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, tín dụng chính sách xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách tại địa bàn.
“Qua thời gian hoạt động mô hình tổ chức giao dịch tại xã, phường, thị trấn ở Bình Dương, đến nay mô hình này hoạt động tương đối hiệu quả. Hoạt động các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và được nhân dân đồng tình, ủng hộ”, ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Bình Dương, cho biết.
Nâng cao chất lượng hoạt động
Để hộ nghèo và các đối tượng tiếp cận dễ dàng, thuận tiện với nguồn vốn và các dịch vụ của NHCSXH chi nhánh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 89/91 xã, phường, thị trấn tổ chức 89 điểm giao dịch, phiên giao dịch xã được tổ chức vào ngày cố định hàng tháng, ít nhất 1 lần/ tháng (kể cả thứ bảy, chủ nhật).
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương thực hiện giải ngân vốn vay tại TP.Thủ Dầu Một
Tại các điểm giao dịch xã, nhân viên ngân hàng thực hiện những giao dịch giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu chi tiết kiệm, nhận hồ sơ về nghiệp vụ cho vay, nghiệp vụ xử lý nợ và các hồ sơ liên quan khác. Đặc biệt, các điểm giao dịch tiếp nhận và xử lý những thông tin góp ý, phản hồi của khách hàng; giao dịch với tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV); tổ chức họp giao ban với các đơn vị nhận ủy thác cấp xã, TTK&VV; đối chiếu trực tiếp với khách hàng đến giao dịch về số dư tiền vay, lãi tồn, số dư tiền gửi; niêm yết công khai danh sách hộ vay vốn, các văn bản mới về chính sách, chế độ; giải thích, hướng dẫn, tuyên truyền cho hộ vay, Ban Quản lý TTK&VV, cán bộ đơn vị nhận ủy thác về chủ trương, chính sách tín dụng của Nhà nước và thủ tục, quy trình nghiệp vụ của NHCSXH.
“Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh đã tổ chức giao dịch tại xã, phường, thị trấn để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách”, ông Võ Văn Đức cho biết thêm.
Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch tại các điểm giao dịch xã, thời gian qua chất lượng hoạt động tín dụng chính sách cấp xã, phường, thị trấn đạt hiệu quả rõ rệt. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 31-7-2024 đạt 4.727 tỷ đồng (tăng 108 tỷ đồng so với đầu năm) với 84.203 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thuộc 1.727 TTK&VV.
Có thể khẳng định các phiên giao dịch tại xã, phường, thị trấn của NHCSXH chi nhánh Bình Dương đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
“Hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã ngày càng nề nếp, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách được phục vụ một cách chính xác và tiện lợi như tại trụ sở NHCSXH trên địa bàn. Thông qua hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách, là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính”. (Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương) |
TƯỜNG VY