Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2016 của tỉnh: Nhu cầu đất công nghiệp, đô thị và dịch vụ tăng mạnh

Cập nhật: 06-09-2016 | 08:51:38

Tỉnh Bình Dương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là vùng phát triển kinh tế năng động nhất cả nước. Bên cạnh đó, là địa phương nằm gần cảng biển, sân bay quốc tế, giao thông nối liền với các trung tâm lớn trong vùng… Bình Dương có nhiều lợi thế đẩy mạnh công nghiệp, thương mại - dịch vụ và đô thị. Kèm theo đó, nhu cầu sử dụng đất phục vụ cho các lĩnh vực này cũng tăng cao.


Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại Bình Dương khiến nhiều đô thị trở nên chật chội khi xung quanh là các KCN.
Trong ảnh: Khu dân cư nằm sát KCN Việt Hương (TX.Thuận An). Ảnh: PHÙNG HIẾU

Giảm đất công nghiệp phía nam của tỉnh

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 78/ NQ-CP ngày 19-6-2013. Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ có 36 khu công nghiệp (KCN) với diện tích trên 13.500 ha (tính đến nay toàn tỉnh đã có 28 KCN được triển khai). Ngày 28-1-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 173/ TTg-KTN đồng ý điều chỉnh quy hoạch các KCN tại Bình Dương đến năm 2020, với diện tích đất tăng thêm là 5.600 ha, chủ yếu trải dài về khu vực phía bắc của tỉnh. Theo thống kê, tỷ lệ lấp đầy các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt trên 65%. Ngoài việc tăng diện tích đất công nghiệp tại khu vực phía bắc của tỉnh, Bình Dương cũng đang tiến hành đầu tư các KCN khác ngoài tỉnh như tại tỉnh Bắc Ninh 700 ha, Hải Phòng 1.600 ha, Quảng Ngãi 600 ha… Ngoài ra, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi với quỹ đất sạch cần thiết để bảo đảm phát triển công nghiệp giai đoạn sau 2020.

Theo UBND tỉnh, hiện các KCN tại TX.Dĩ An và TX.Thuận An đã cho thấy dấu hiệu quá tải trong thời gian tới. Trong khi đó, áp lực về phát triển đô thị, bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân chính là nguyên nhân mà tỉnh nhà phải điều chỉnh quy hoạch lại các KCN trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ nỗ lực chuyển đổi công năng một số KCN ở phía nam (TX.Thuận An và TX.Dĩ An). Hiện nay, khu vực phía nam của tỉnh có 9 KCN với diện tích khoảng 1.322 ha, dự kiến sẽ chuyển công năng khoảng 500 ha. Về lâu dài, diện tích đất các KCN phía nam của tỉnh sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần để phục vụ quá trình đô thị hóa theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ loại khỏi danh mục 4 KCN với tổng diện tích 1.400 ha gồm Vĩnh Hiệp, Thường Tân, Long Hòa và Mai Trung; đồng thời giảm diện tích KCN Tân Lập từ 400 ha xuống còn 200 ha. Song song đó, tỉnh bổ sung thêm KCN Riverside ISC; mở rộng KCN Cây Trường từ 300 ha lên 700 ha, Vĩnh Lập từ 200 ha lên 500 ha, Việt Hương II từ 250 ha lên 262 ha, Nam Tân Uyên từ 644 ha lên 966 ha, Rạch Bắp từ 279 ha lên 639 ha…

Tăng đất đô thị, dịch vụ và du lịch

Hiện toàn tỉnh còn khoảng 207.000 ha đất nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong tương lai, để phát triển, tỉnh Bình Dương cần thiết phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng tăng đất cơ sở hạ tầng, đất công nghiệp, dịch vụ… Bên cạnh đó, do sức hút lao động vào KCN và đô thị trong tương lai vẫn còn mạnh nên dân cư nông thôn trong tỉnh sẽ biến động theo hướng chuyển sang các khu dân cư đô thị. Với quỹ đất ở và đất vườn tạp ở các khu dân cư hiện hữu trên địa bàn tỉnh sẽ đủ cho nhu cầu phát triển dân số nông thôn mà không cần mở thêm đất xây các khu dân cư nông thôn, ngoại trừ các khu dân cư phục vụ tái định cư và xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh cũng dành hàng ngàn ha đất phục vụ cho các loại hình du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương; trong đó nhắm tới các danh thắng, đặc sản của tỉnh như khu trồng cây ăn quả Lái Thiêu - cầu Ngang, núi Châu Thới, suối Lồ Ồ, lòng hồ Dầu Tiếng, Cù lao Bạch Đằng… Trong tương lai gần, Bình Dương sẽ là đô thị loại 1 với lợi thế đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, gần sân bay quốc tế. Cùng với đó, khu vực đô thị trung tâm của tỉnh đang được xây dựng cũng là địa điểm tiềm năng cho phát triển du lịch tham quan, hội thảo.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, do tiềm năng mở rộng đất nông nghiệp phía nam của tỉnh còn rất ít, trong khi KCN ở khu vực này phải đến năm 2030 trở đi mới hết hạn thuê nên trong giai đoạn 2016-2020, việc xây dựng các trung tâm dịch vụ trên địa bàn này sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, ngay trong giai đoạn 2016-2020 cần cân nhắc ký quỹ đất xây dựng các khu dân cư để có quỹ đất dự trữ cho phát triển các cơ sở dịch vụ.

Ông Nguyên cho biết thêm, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được các cơ quan tham mưu, các chuyên gia trong và ngoài tỉnh đánh giá về những tác hại, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường… Trên cơ sở đó để Bình Dương quy hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả và bền vững nhất.

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=836
Quay lên trên