Hiện nay, phong trào đờn ca tài tử ở Bình Dương đang ngày càng phát triển. Điều đó thể hiện không chỉ trong các lớp học mà còn trong các câu lạc bộ đờn ca tài tử, nơi thu hút đông đảo người dân tham gia. Các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các huyện và thành phố trong tỉnh đã trở thành “điểm sáng” trong việc duy trì và phát triển môn nghệ thuật này.
Lãnh đạo Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương trao giấy chứng nhận cho các học viên lớp truyền dạy nghệ thuật ca tài tử và cải lương cho người dân trên địa bàn tỉnh
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết thời gian qua Phân hội Sân khấu Bình Dương (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) đã có nhiều buổi giao lưu đờn ca tài tử (ĐCTT) tại các địa phương. “Những chuyến đi không chỉ là cơ hội để các nghệ nhân, tài tử ĐCTT thể hiện tài năng mà còn là dịp để truyền đạt những giá trị văn hóa độc đáo của bộ môn nghệ thuật này đến với đông đảo người dân”.
Hòa trong không khí vui tươi của Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Liên hoan ĐCTT Bình Dương năm 2024. Liên hoan diễn ra suốt 5 ngày, thu hút sự tham gia của 17 câu lạc bộ (CLB) ĐCTT đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh và các tỉnh bạn. Các đơn vị đã mang đến liên hoan nhiều bài ca đậm đà hương sắc phương Nam. Trong khi đó tại Liên hoan ĐCTT - Cải lương TP.Thủ Đức mở rộng lần 2 - năm 2024 với chủ đề “Tiếng hát trên những dòng sông” diễn ra vào cuối tháng 9-2024, CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một và CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thuận An đã lần lượt đoạt giải nhì và giải ba. Kết quả này đã phần nào khẳng định vị trí của ĐCTT Bình Dương trong khu vực. Thông qua các sân chơi như thế này, các nghệ nhân, tài tử ca, tài tử đờn đã góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật của ĐCTT và cải lương Nam bộ đến đông đảo nhân dân và các địa phương.
Ngoài hoạt động của các CLB, các lớp truyền dạy như lớp tại Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương cũng minh chứng sống động cho sự nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật này. Lớp học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là không gian để các học viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Theo NSƯT Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, dù có khó khăn, nhất là khi ĐCTT trước đây chủ yếu được truyền khẩu, dẫn đến một số bài bản chưa chuẩn xác, nhưng với tinh thần ham học, các học viên vẫn kiên trì, tìm cách khắc phục. Chính những nỗ lực ấy đã giúp họ dần nắm vững kiến thức, qua đó ĐCTT lại có thêm một thế hệ mới tiếp nối.
Theo thầy Lê Quang Lợi, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, các học viên tham gia được hướng dẫn chi tiết từng bài bản trong nghệ thuật ca tài tử, giúp nắm rõ và sâu hơn về loại hình nghệ thuật này, từ đó tiếp tục duy trì và lan tỏa niềm đam mê ĐCTT của mình.
Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 5-12-2013. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử theo đề án được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt ngày 8-11-2021, Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương đã tổ chức lớp truyền dạy ca tài tử và cải lương cho người dân trên địa bàn tỉnh. |
THỤC VĂN