Trong những năm qua, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bình Dương đã không ngừng cải thiện chất lượng chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, phục vụ nhân dân khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Mới đây, đoàn đã từng bước chuyển đổi, tạo nhiều “hương vị” nghệ thuật dân gian dân tộc trong các chương trình biểu diễn và được đông đảo công chúng ủng hộ, yêu thích.
Có dịp thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bình Dương trong năm qua, chúng tôi đã bắt gặp những ánh mắt thích thú và những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt của đông đảo khán giả dành cho diễn viên, nhạc công của đoàn. Chương trình của đoàn đã có nhiều cải tiến từ lực lượng diễn viên, nhạc công cho đến nội dung các tiết mục. Đặc biệt, khán giả dành nhiều tình cảm nhất là các tiết mục mang âm hưởng dân tộc như đờn ca tài tử, nhạc cảnh, múa hát, hòa tấu nhạc cụ dân tộc của nhóm Sắc Việt, nhóm nhạc Giai điệu quê hương và phong cách trẻ trung của nhóm Bad Boy.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bình Dương vẫn mang đến cho khán giả nhiều tiết mục đặc sắc và ý nghĩa. Trong ảnh: Tiết mục múa “Bay vào tương lai” do Ngọc Hiền biên đạo biểu diễn tại TX.Dĩ An.
Ảnh: TH.VĂN
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bình Dương cho biết, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân ngày càng cao như hiện nay, lãnh đạo đoàn đã động viên, vận động các diễn viên, nhạc công chuyển đổi nhiều loại hình âm nhạc. Số tiết mục mang âm hưởng dân tộc có thời lượng khoảng 20% chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân tại các địa phương trong tỉnh. Theo đó, bên cạnh việc phát huy tài năng của các thành viên nòng cốt trong ban nhạc, nhóm múa, nhóm ca; đoàn đã đầu tư mạnh cho mảng dân gian dân tộc. Một số thành viên đã tự mình ý thức tìm tòi, học hỏi để phát huy tài năng của bản thân. Có bạn tự tìm học đờn ca tài tử, tuy chưa mùi mẫn, ngọt ngào lắm nhưng cũng góp phần quảng bá loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc đến công chúng. Có bạn tập tành sáng tác mang đến khán giả nhiều tiết mục hay, ý nghĩa.
Bên cạnh việc đầu tư chương trình tạo ấn tượng đẹp trong lòng khán giả tỉnh nhà, đoàn còn thâm nhập, phát triển các loại hình nghệ thuật của Lào, Campuchia, Hàn Quốc… để phục vụ, biểu diễn giao lưu với các đoàn nghệ thuật của các nước bạn. Mới đây, đoàn đã biểu diễn phục vụ và giao lưu với đoàn đại biểu Campuchia gồm nhiều tiết mục múa hát trong sắc phục Campuchia được đánh giá cao. Tuy không ngừng phát huy và sáng tạo các chương trình nghệ thuật đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quần chúng, nhưng do các thiết bị âm thanh, ánh sáng đang xuống cấp và thiếu diễn viên nên hiệu ứng nghệ thuật các chương trình của đoàn vẫn còn hạn chế. Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bình Dương bộc bạch, để đoàn vượt qua những khó khăn, làm nên bước tiến mới, thu hút nhiều tài năng nghệ thuật, rất cần UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ thêm những chính sách đãi ngộ đầu tư thu hút nghệ sĩ, diễn viên từ các tỉnh, thành phố khác về Bình Dương. Bởi, việc chăm lo hỗ trợ về chế độ cho nghệ sĩ, diễn viên sẽ giúp họ yên tâm lao động, sáng tác nghệ thuật, ổn định tư tưởng, cống hiến lâu dài cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật của địa phương, góp phần hoàn thiện nhiệm vụ chính trị và các chỉ tiêu của tỉnh đề ra.
THỤC VĂN