Dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, các DN vẫn đang từng ngày đẩy mạnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Duy trì phát triển sản xuất đi đôi với phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là hai nhiệm vụ trọng tâm mà tất cả các DN đang tập trung thực hiện.
Sản xuất ống nhựa tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen
Chủ động vượt khó
Để vượt qua khủng hoảng, đối phó với tác động của đại dịch, nhiều DN đã chứng tỏ “sức đề kháng” của mình bằng cách tính toán giải pháp thích nghi, phương án kinh doanh thay thế, như giải quyết trong tồn kho, thay đổi nhà cung cấp, thay đổi thiết bị, nguyên phụ liệu… Đại diện Công ty TNHH Sanaky Việt Nam, cho biết thời gian qua do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động của DN có chậm lại do thiếu nguồn cung nguyên liệu, tuy nhiên DN đã cố gắng tìm nguồn cung khác thay thế. Từ cuối tháng 2 đến nay, tình hình đã từng bước cải thiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đã đi vào ổn định so với trước.
So với các ngành khác trên địa bàn Bình Dương, chế biến gỗ xuất khẩu đang có hoạt động sản xuất, xuất khẩu tương đối ổn định với kim ngạch xuất khẩu gỗ quý I-2020 ước đạt 689 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết tỉnh hiện có 1.600 DN hoạt động trong ngành gỗ (chiếm 40% số DN gỗ trên cả nước), trong quý I-2020, giá trị sản xuất của các DN có sự tăng trưởng. Mặc dù ngành chế biến gỗ cũng chịu tác động mạnh do dịch bệnh Covid-19, nhưng các DN luôn phát huy tốt tinh thần đoàn kết, chủ động vượt khó.
Bên cạnh việc thích ứng nhanh với thị trường, một số DN cũng chủ động tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế, tránh việc phụ thuộc vào một thị trường cung cấp. Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhập khẩu của DN. Từ thời điểm diễn ra dịch bệnh, DN không nhập khẩu được nguồn hàng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dây chuyền nên một số thị trường nhập khẩu của công ty như Đài Loan, Ấn Độ cũng không có hàng hóa để xuất khẩu cho công ty, vì các nước này cũng nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc để sản xuất thép cán nóng bán cho Hoa Sen. Công ty đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế, hiện công ty mua hàng của Formosa để duy trì sản xuất. Vượt qua khó khăn trong thời điểm này, Tập đoàn Hoa Sen đang tìm mọi phương án, giải pháp để bảo đảm nhân sự luân phiên trực sản xuất, cân đối sản lượng xuất khẩu bất chấp đại dịch Covid-19. Trong tháng 4 và tháng 5 tới, đơn hàng xuất khẩu của công ty vẫn duy trì ổn định.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Bước vào quý II-2020, cũng là giai đoạn cao điểm của “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các DN trên địa bàn tỉnh vừa nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh vừa đặt nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lên hàng đầu. Để hỗ trợ thiết thực cho DN, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, rà soát cụ thể tình hình xuất khẩu của các DN. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiêu thụ thị trường nội địa bằng cách lên kế hoạch tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN liên hệ, đưa hàng vào các hệ thống siêu thị, phân phối đi các nơi.
Để bảo đảm sản xuất, cung ứng đủ khẩu trang, đồ bảo hộ phòng dịch, thiết bị y tế ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời giúp DN “chuyển hướng” gia công sản xuất, xuất khẩu nhằm khắc phục tình trạng đơn hàng bị ngưng do dịch bệnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch vay vốn ưu đãi sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Theo đó, tỉnh hỗ trợ cho 6 DN được vay vốn ưu đãi lãi suất 0%, phí ủy thác 0% với số tiền 38 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần, cho biết đơn vị thành lập một tổ nghiệp vụ riêng để tư vấn, hỗ trợ DN về thủ tục, chính sách liên quan đến việc gia công xuất khẩu mặt hàng khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế phục vụ công tác chống dịch bệnh Covid-19. Tại Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần hiện có 6 DN đang “chuyển hướng” gia công sản xuất, xuất khẩu 2 mặt hàng trên nhằm khắc phục tình trạng đơn hàng bị ngưng do dịch bệnh. Với sự hỗ trợ của đơn vị, đã có Công ty TNHH EINS VINA ký được hợp đồng với đối tác nước ngoài để xuất khẩu khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế.
Cùng với việc xây dựng kịch bản phát triển kinh tế trong bối cảnh có nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có những chính sách hỗ trợ DN; phối hợp với các sở, ngành thực hiện các giải pháp bảo đảm điều kiện thuận lợi cho DN tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo Sở KH&ĐT cho biết tỉnh đang thực hiện nhiều chính sách của Trung ương và địa phương để hỗ trợ DN. Chính sách hỗ trợ bao quát các lĩnh vực kinh tế lẫn thành phần kinh tế. Sở KH&ĐT cũng đang phối hợp với cơ quan liên quan triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để tận dụng tốt các cơ hội phát triển, nhất là đón bắt thời cơ dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước.
Những chính sách hỗ trợ DN cùng hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách hiện nay của tỉnh đã thông tin nhanh đến DN, được DN đón nhận và tạo sự đồng hành cùng chính quyền trong nỗ lực cùng vượt qua khó khăn trước mắt để phục hồi, giữ vững và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch bệnh Covid-19.
NGỌC THANH