Rang xay cà phê bằng phần mềm công nghệ tại một doanh nghiệp. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tái cấu trúc quản trị kinh doanh và quay lại sản xuất an toàn, hiệu quả, một số hiệp hội doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cường cập nhật thông tin thị trường và đưa ra những giải pháp phù hợp với môi trường đầu tư, kinh doanh mới.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia, lãnh đạo đầu ngành cũng phát huy vai trò dẫn đầu, chia sẻ bài học kinh doanh xử lý các vấn đề sau kiểm soát dịch COVID-19.
Nới lỏng tự chủ doanh nghiệp
Tại hội nghị trực tuyến do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao vừa tổ chức, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch công ty Tư vấn kinh doanh-Hội nhập toàn cầu (GIBC), chia sẻ gần đây có những quan ngại về đơn hàng cho những thị trường khó tính vì không có lao động đạt yêu cầu và có thể dẫn đến nguy cơ mất thị trường.
Vì vậy, trong chiến lược sắp tới, doanh nghiệp cần tận dụng năng lực quản lý của Nhà nước và quản trị công ty để giảm bớt thiệt hại cũng như rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu...
Ông Phạm Phú Ngọc Trai cũng cho rằng các chỉ thị của Nhà nước trong giai đoạn này nên có sự tham vấn và lấy ý kiến của doanh nghiệp trước khi ban hành nhằm tránh những bất cập gây cản trở môi trường đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước. Điển hình là đẩy mạnh những giải pháp cụ thể trong hỗ trợ từ ngân sách, quỹ bảo hiểm xã hội, công đoàn… chi đến từng doanh nghiệp phục vụ chi trả ngay cho người lao động đang sản xuất, người lao động bị ngừng việc… để doanh nghiệp giữ chân được người lao động khi chuẩn bị quay lại sản xuất, kinh doanh.
Còn việc đi lại của người lao động, nếu đáp ứng các tiêu chí của chính quyền địa phương thì có thể nới lỏng cho doanh nghiệp chủ động khai báo sẽ thuận lợi hơn. Hoặc trao thêm sự linh hoạt cho doanh nghiệp và hỗ trợ thiết thực thay vì kiểm soát, can thiệp theo quy định chung toàn xã hội; đồng thời khẩn trương thúc đẩy tiến độ liên thông dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự khai báo lộ trình di chuyển, tiếp cận vaccine, tổ chức y tế tại chỗ, kết hợp với y tế tư nhân...
Còn Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty RYNAN Technologies, Chủ tịch Câu lạc bộ LBC, đề xuất phương thức lấy mẫu xét nghiệm CNOK có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí xét nghiệm, hiện đang là vấn đề tốn nhiều chi phí trong vận hành sản xuất, kinh doanh. CNOK là phương thức lấy mẫu xét nghiệm dựa trên toán học xác suất thống kê, trong đó C là chính xác, N là nhanh chóng, O là ổn định tâm lý người lao động và K là kinh tế, giúp phát hiện nhanh chóng và tương đối chính xác người bị nhiễm COVID-19.
Phân tích cụ thể, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ chỉ ra rằng Công ty RYNAN Technologies hiện có 350 nhân viên đang thực hiện "ba tại chỗ." Mỗi lần xét nghiệm mất hơn nửa ngày, tốn 60 triệu đồng/lần và 240 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, với phương thức lấy mẫu xét nghiệm CNOK, mỗi tháng Công ty RYNAN Technologies chỉ tốn khoảng gần 73 triệu đồng. Nếu thực hiện xét nghiệm dùng mẫu gộp hai (một kit test cho hai người) thì chi phí xét nghiệm mỗi tháng còn lại là hơn 36 triệu đồng.
Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến” phát hiện nhanh dịch COVID-19 với độ chính xác tương đối cao cũng như không phải dừng sản xuất để thực hiện.
Ngoài ra, doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động có thể chia thành những phân tổ để quản lý, giám sát và kiểm soát; trong đó mỗi ngày nhân viên đại diện phân tổ sẽ được xét nghiệm, cứ thế xoay vòng lần lượt từng người, như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp. Còn với doanh nghiệp nhỏ với 15 lao động, chỉ cần xét nghiệm một người/ngày.
Tích cực tìm kiếm cơ hội
Trong khi đó, tại VIETNAM CEO FORUM với phiên bản đặc biệt OPEN TALKS-The paths forward - Những con đường phía trước, được đồng tổ chức bởi Hội Doanh nhân Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh (YBA), IBP, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và S-World, ông Mai Hữu Tín (Chủ tịch Hội đồng quản trị U&I Group) dự báo cộng đồng doanh nghiệp có thể phục hồi từ 60-70% vào cuối năm sau. Mặc dù vậy, khả năng tuyển lại nhân sự lại cực kỳ khó, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục cách làm cũ và không thay đổi về mặt công nghệ thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
Theo ông Mai Hữu Tín, trước đây doanh nghiệp thường phải mất ít nhất hai năm để phục hồi sau khủng hoảng, nhưng lần này sẽ mất thời gian lâu hơn. Hai ngành được xem là bị thiệt hại nặng nề nhất bởi những ảnh hưởng của COVID-19 là du lịch và hàng không.
Để đảm bảo an toàn cho các công nhân, một công ty triển khai dựng tấm chắn trong phân xưởng sản xuất. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Bên cạnh đó, so với khối doanh nghiệp Nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân có sức phục hồi nhanh hơn vì họ tự quản nguồn tiền, có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng về những kế hoạch sắp tới trong thời gian nghỉ do dịch bệnh. Ngay khi được mở cửa trở lại, doanh nghiệp sẽ có hướng đi khác, thậm chí có sự dấn thân lớn hơn nữa, sẽ có sự khác biệt lớn sau dịch.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tìm kiếm cơ hội, ý tưởng, đổi mới tư duy và thực hiện chuyển đổi công nghệ sớm; đồng thời sức khỏe doanh nghiệp, trình độ tài chính và quản lý, nên “độ sâu” doanh nghiệp đã hoàn toàn khác giai đoạn 15 năm trước nên sức bền của họ đã cũng khác xưa.
Còn chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động trong nền kinh tế Singapore, ông Albert Antoine, Giám đốc điều hành và Đồng sáng lâp Avaiga.com, đánh giá các nước châu Á và nước đang phát triển đang đi ngược lại với châu Âu, vì “thắt lưng buộc bụng” trong dịch COVID-19; đồng thời tiết kiệm không đầu tư vào nguồn nhân lực. Trong khi các quốc gia châu Âu đầu tư tài chính vào chỗ ở để người dân vùng khác đến công xưởng của họ làm việc.
Riêng tại Việt Nam, vấn đề cần được giải quyết là chuyển đổi số. Còn ở châu Âu và Singapore, câu hỏi đặt ra là phải tăng tốc để tối ưu hóa quy trình hoạt động. Đơn cử, Singapore có rất nhiều doanh nghiệp tư có vốn từ chính phủ và chính phủ hỗ trợ rất nhiều như một đầu tàu để kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp. Chính phủ Singapore tăng gấp đôi, gấp ba chi tiêu vì họ muốn duy trì bộ máy kinh tế.
Theo tổng hợp khảo sát từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành và công bố gần đây, có hơn 87% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Kết quả khảo sát này cũng cho thấy hầu hết ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh; trong đó, đối với doanh nghiệp tư nhân có những lĩnh vực ảnh hưởng lớn hơn 90% như: sản xuất may mặc, thông tin truyền thông, sản xuất sản phẩm thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ, giáo dục, y tế, lao động, sản xuất đồ da, gỗ…
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư, Trưởng phòng nghiên cứu Dragon Capital, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở để lạc quan, bởi nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự bền bỉ và năng động. Việt Nam là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới vào năm 2020 đã có mức tăng trưởng dương; trong đó, tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc đều có nền kinh tế bị tăng trưởng âm./.
Theo TTXVN