Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh hoạt động ổn định và duy trì mức tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Nhờ vào bước chạy đà khá ổn này mà trong những tháng cuối năm, DN phấn khởi tăng tốc về đích, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch xuất khẩu các đơn hàng đã ký kết.
Tiếp tục tăng trưởng
Ghi nhận cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2017, hoạt động sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương ổn định và duy trì mức tăng trưởng khá, lượng đơn hàng có đến hết năm, nhất là các nhóm ngành hàng chủ lực của Bình Dương như may mặc, da giày, chế biến…
Tăng trưởng sản xuất ổn định góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt khá. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Giày Đông Hưng (TX.Dĩ An). Ảnh: P.LÊ
Trong tháng 8-2017, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 2,5 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước và tăng 18,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đạt 18 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Điều đáng vui mừng là các mặt hàng chủ lực của tỉnh từ đầu năm đến nay tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Ngành sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tháng 8 ước đạt 380,5 triệu USD, tăng 3,5% so tháng trước, chiếm tỷ trọng 15,2% tổng KNXK.
Bên cạnh đó, trong tháng 8-2017 ngành hàng dệt may có KNXK ước đạt 301,6 triệu USD, tăng 3,3% so tháng trước, chiếm tỷ trọng 12% KNXK cả tỉnh. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng khá tốt. Dự báo lượng đơn hàng dệt may xuất khẩu từ thị trường EU sẽ tăng cao vào những tháng cuối năm 2017.
Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An), Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động XNK của công ty tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Lượng đơn hàng xuất khẩu tiếp tục tăng khoảng 10%, doanh thu tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến nay công ty đã đạt 70% kế hoạch năm 2017 đề ra.
Đánh giá chung về tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay của ngành da giày tỉnh, theo bà Liên, trong thời gian qua, nhiều DN đã làm rất tốt. Các sản phẩm đều đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng về số lượng và chất lượng đơn hàng. Bên cạnh đó, ngành da giày là ngành tương đối phức tạp nên khách hàng khó di dời sang các nước Lào, Campuchia, Malaysia... vì vậy lượng đơn hàng ổn định.
Bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và những kết quả đã đạt được, DN vẫn còn gặp một số khó khăn, nhất là DN trong nước. Bà Trương Thúy Liên cho biết, hiện nay một số DN trong nước hoạt động sản xuất, xuất khẩu ngành da giày vẫn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân do lượng hàng từ các nước trong khối ASEAN ồ ạt vào Việt Nam vì được cắt giảm thuế xuống 0%, xuất khẩu của DN không có nhiều cơ hội gia tăng.
Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty May mặc Quốc tế, kinh tế toàn cầu vẫn còn ảm đạm nên đơn hàng không nhiều và giá cả rất cạnh tranh. Bên cạnh đó, khó khăn 2018 sắp đến cho DN là lương, mức đóng bảo hiểm cao và các chi phí khác tăng tạo áp lực rất lớn cho DN về vấn đề chi phí và khả năng thu hút đơn hàng thấp vì chi phí tăng cao. Để đạt mục tiêu và kế hoạch đề ra, các DN ngành dệt may vào những tháng cuối năm phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, để triển khai các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, hàng năm UBND tỉnh đều ban hành Chương trình hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện để DN xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước. Sở Công thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội thảo đối thoại DN các hiệp hội ngành hàng nhằm kịp thời tháo gớ những khó khăn, vướng mắc của DN, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho DN trong năm 2017.
Như vậy, với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng với những nỗ lực của DN, các DN trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành mục tiêu, kế hoạch xuất khẩu của năm, góp phần cùng với tỉnh hoàn thành chỉ tiêu sản xuất công nghiệp đã đề ra.
PHƯƠNG LÊ