Trong 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 115 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng trưởng cao gấp 3 lần so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Tại hội thảo “Nhận diện thị trường và quản trị rủi ro trong xuất khẩu” tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh mới đây, nhiều đại biểu cho rằng tuy Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã rút không tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khác.
Nhận định chung được đưa ra là, hiện nay thế giới đang bước vào giai đoạn công nghiệp 4.0. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chuyển đổi chiến lược xuất khẩu, không thể dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ và xuất khẩu sản phẩm thô. Các doanh nghiệp phải chuyển đổi sản xuất theo hướng tự động hóa, nâng cao chất lượng, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu, minh bạch thông tin và sản xuất xanh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng gắn sản phẩm với những giá trị văn hóa, đất đai, thổ nhưỡng và tạo sự khác biệt của sản phẩm.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh cho rằng, diễn đàn đã đặt vấn đề về rủi ro trong xuất khẩu để các chuyên gia kinh tế hướng dẫn doanh nghiệp để biết tránh, giảm rủi ro trong xuất khẩu, như chuyển tiền nhưng không được nhận hàng hoặc hàng hóa không đạt chất lượng.
K.T