Phát triển kinh tế tập thể ở huyện Dầu Tiếng: Hướng đến ổn định, lâu dài

Cập nhật: 09-08-2017 | 10:11:58

Việc phát triển kinh tế tập thể (KTTT) ở huyện Dầu Tiếng trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp không nhỏ vào bức tranh phát triển kinh tế chung của địa phương.

Hệ thống chuồng trại chăn nuôi của HTX bò sữa Long Tân, huyện Dầu Tiếng Ảnh: Q.NHIÊN

Hoạt động hiệu quả

Hiện nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 16 tổ hợp tác (THT), trong đó có 6 tổ chăn nuôi, 6 tổ dịch vụ và 4 tổ trồng trọt với tổng số hội viên là 148 người, vốn điều lệ gần 5 tỷ đồng. Các THT đều hoạt động đúng quy định của pháp luật, trong đó có nhiều THT hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho người lao động. Riêng về hợp tác xã (HTX), toàn huyện có 8 HTX đang hoạt động, trong đó có 4 HTX được tổ chức lại và chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban chỉ đạo KTTT huyện đã vận động tự nguyện giải thể 6 HTX hoạt động không hiệu quả.

Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo KTTT huyện Dầu Tiếng đánh giá, các THT và HTX đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và là nguyện vọng chính đáng của bà con nông dân và người lao động. Những người tham gia góp vốn đều tự nguyện, tự chủ trong nguồn vốn và hoạt động kinh doanh, có xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể, rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu thực tế của người dân địa phương. Trong đó, có nhiều mô hình THT đem lại lợi ích cho người lao động, giúp giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các thành viên, giảm chi phí sản xuất. Nhiều THT hoạt động rất hiệu quả, là bước đệm để THT dần chuyển sang HTX, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, theo ông Linh, hiện vẫn còn HTX hoạt động không hiệu quả, trình độ năng lực của các thành viên quản lý HTX còn thấp, nhiều nơi thành viên tham gia chỉ mang tính hình thức... Đối với những HTX hoạt động không còn hiệu quả, Ban chỉ đạo KTTT huyện sẽ vận động tự nguyện giải thể.

 Ông Mai Thanh Long, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tuyền cho biết, quỹ được đánh giá là mô hình HTX hoạt động hiệu quả nhất trong các loại hình HTX ở huyện Dầu Tiếng vào thời điểm hiện tại. Hiện Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tuyền có 3.402 thành viên tham gia, trong đó số thành viên vay vốn là 2.670. Dư nợ cho vay trong 6 tháng đầu năm 2017 của quỹ là trên 127 tỷ đồng, lãi trước thuế trên 769 triệu đồng, nộp thuế hơn 100 triệu đồng, thu nhập bình quân 3 - 8 triệu/người/tháng. Ông Long cũng cho rằng, hoạt động của quỹ tín dụng có hiệu quả cao về kinh tế và xã hội, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, xóa nạn cho vay nặng lãi, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ổn định lâu dài

 Ông Lê Hữu Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng cho rằng, với đặc thù là một huyện mà kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo thì việc phát triển KTTT cũng dựa trên thế mạnh này. Ông Dũng đưa ra ví dụ về trường hợp HTX cây có múi Minh Hòa và HTX thu mua mủ cao su Định Hiệp. Đây là 2 HTX mới được thành lập đầu năm 2017 nhưng với quy mô và tính khả thi thì trong tương lai gần sẽ là những HTX hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được điều này các thành viên quản lý HTX phải tính toán, xây dựng chiến lược kinh doanh, quảng bá để mọi người cùng biết đến sản phẩm của mình.

 “Ai cũng biết là quả măng cụt Thanh Tuyền ngon không thua kém bất cứ đâu, thậm chí còn ngon hơn những nơi khác. Đã nhiều lần, măng cụt Thanh Tuyền đem đi dự thi ở lễ hội trái cây tổ chức ở Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh) và đoạt giải nhưng ngoài người Bình Dương ra mấy ai biết được măng cụt Thanh Tuyền ở đâu và được trồng như thế nào?”, ông Dũng đặt câu hỏi. Do đó, việc trồng cây có múi cũng phải đi kèm với việc quảng bá sản phẩm để mọi người dân cùng biết thì việc kinh doanh mới hiệu quả và mang tính lâu dài. Đối với HTX thu mua mủ cao su Định Hiệp, ông Dũng cho rằng với khoảng 30.000 ha cao su tiểu điền của người dân thì việc thành lập HTX thu mua mủ là phù hợp nhu cầu hiện tại.

Theo ông Phạm Trung Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, hiện tại có nhiều THT trên địa bàn huyện hoạt động rất hiệu quả, như THT chăn nuôi bò sinh sản (ấp Núi Đất, xã Định Thành), THT chăn nuôi bồ câu (xã Định An)… Đây là những THT mà sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ tốt ngoài thị trường, đồng thời còn tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Do vậy, cần vận động những THT này chuyển sang mô hình HTX để có những chính sách phát triển tốt hơn nữa.

THT chăn nuôi bò gặp khó vì nông trường cao su cấm chăn thả

Ông Lê Hữu Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng nói, hiện THT chăn nuôi bò sinh sản (ấp Núi Đất, xã Định Thành) và THT chăn nuôi trâu bò (ấp Chiến Thắng, xã Định An) đang gặp khó về diện tích đồng cỏ chăn thả gia súc, vì các nông trường cao su cấm chăn thả trong các lô cao su.

 

NHÂN QUANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=625
Quay lên trên