Độc đáo chợ quê

Cập nhật: 28-11-2017 | 09:01:21

Chợ quê là nơi trao đổi hàng hóa, nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là một phần không thể thiếu của văn hóa làng xã ở Việt Nam. Chợ quê mỗi nơi một vẻ, trên vùng đất Sông Bé - Bình Dương từ xưa đến nay cũng có nhiều ngôi chợ gắn liền với lịch sử như chợ Thủ, chợ Tân Phước Khánh… Ở bài viết này chúng tôi muốn nói đến nét văn hóa chợ quê ở Dầu Tiếng mà từ lâu có lẽ ít người biết đến. Nếu như những phiên chợ miền núi phía Bắc mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao, miền Tây sông nước nổi tiếng với những phiên chợ nổi thì chợ Dầu Tiếng được xem là nơi hội tụ văn hóa ba miền.


Nét độc đáo của phiên chợ chủ nhật ở Dầu Tiếng là chủ yếu bán hàng Việt giá rẻ như áo quần, túi xách, giày dép, đồ gia dụng...
Ảnh: H.G

Những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh, vùng đất miền Đông bỗng trở nên duyên dáng lạ kỳ bởi sự giao thoa của thời khắc chuyển mùa. Chúng tôi lại có dịp rong ruổi về Dầu Tiếng thăm những ngôi chợ quê nằm e ấp bên dòng sông Sài Gòn, đang rộn ràng chuẩn bị cho mùa tết. Lên Dầu Tiếng riết chúng tôi cứ ngỡ đã quen, hóa ra đất này còn lắm cái lạ kỳ. Lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc khiến mảnh đất này thành nơi hội tụ đa sắc màu văn hóa. Nhiều lần đến với Dầu Tiếng mới nhận thấy nơi đây có cả những dấu tích thời Pháp thuộc, công trình nhà máy và những ngôi biệt thự trầm mặc phủ bóng thời gian mà du khách ngạc nhiên cứ nghĩ Đà Lạt, Vũng Tàu mới có. Trong chiều sâu văn hóa của mảnh đất này thì những ngôi chợ cũng rất độc đáo và thú vị mà du khách khó có thể tìm thấy ở những vùng quê khác.

Chợ quê Dầu Tiếng nổi tiếng với ba phiên chợ đó là chợ sáng, chợ chiều và chợ chủ nhật. Khác với nhiều nơi, chợ Dầu Tiếng từ lâu đã được mặc định, trong tiềm thức người dân nơi đây về sự nề nếp. Sáng sớm khi bình minh chưa ló dạng, khi tiếng còi báo thức vang lên từng hồi cũng là lúc bà con gánh gồng ra chợ sáng mang theo những sản phẩm của địa phương. Chợ họp đến 11 giờ lại tan để chuẩn bị đến phiên chợ chiều. Cái lạ ở đây là chợ sáng, chợ chiều họp ở hai địa điểm khác nhau nhưng đều chung người bán. Cái khác là sáng bán hàng theo buổi sáng, chiều bán theo chiều, nếp xưa nay cũng vậy. Bởi thế, người dân Dầu Tiếng mỗi khi đến chợ đều rất chủ động, vì họ biết buổi sáng, buổi chiều sẽ có những mặt hàng gì. Và các anh chị công nhân cao su, dù bận mãi nhưng đến giờ tan ca vẫn kịp đi phiên chợ chiều để mua sắm.


Chị Nguyễn Thị Tố Trang, người bán áo quần ở đây từ nhiều năm nay kể, từ lúc nửa đêm là gia đình chị đã phải thức dậy sớm, xuống chợ đầu mối Tân Bình ở TP.Hồ Chí Minh để lấy hàng và 5 giờ sáng là quay về họp chợ.
Ảnh: H.G

Đong đưa đong đưa võng dù/ Anh chị em ơi đi đâu mà vội mà vàng/ Dừng chân ghé lại gian hàng của anh/ Đong đưa đong đưa ba lăm ngàn một chiếc võng dù… Đó là lời rao của anh Thi Văn Rớt mà chúng tôi gặp gỡ đầu tiên khi đến với phiên chợ ngày chủ nhật. Anh Rớt quê xã Định Thành, theo nghề bán võng đã gần 20 năm, lúc ở chợ này khi chợ kia nhưng cứ đến chủ nhật là không quên đến chợ Dầu Tiếng. Kiếp mưu sinh vui với sông hồ đã hình thành trong con người anh tính cách lãng du. Bà con trong chợ gọi anh là “tình anh bán võng” mà nếu vắng anh bà con lại nhớ tiếng rao mượt mà tha thướt. Vui vẻ cũng là cái duyên bán hàng. Miệng rao, tay vẫy, cứ thế anh Rớt như một hoạt náo viên khiến gian hàng của mình sôi động cả một góc chợ. Anh khoe với chúng tôi, mới sáng sớm đã bán được mấy chiếc võng rồi. Nghề tuy vất vả, nhưng chúng tôi nhận thấy niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của anh Rớt.

Phiên chợ ngày chủ nhật ở Dầu Tiếng đã có từ mười năm nay. Chợ nằm ngay trên sân bay dã chiến cũ. Cứ mỗi chủ nhật, từ sáng sớm, không hẹn mà đến, đông đảo người bán từ Bình Phước xuống, Tây Ninh sang mang theo nhiều mặt hàng phong phú của mỗi địa phương. Nét độc đáo của phiên chợ chủ nhật là chủ yếu bán hàng Việt giá rẻ như áo quần, túi xách, giày dép, đồ gia dụng… Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tố Trang, người bán áo quần ở đây từ nhiều năm nay kể rằng, từ lúc nửa đêm là gia đình chị đã phải thức dậy sớm, xuống chợ đầu mối Tân Bình ở TP.Hồ Chí Minh để lấy hàng và 5 giờ sáng là quay về họp chợ. Mặt hàng của chị Trang chủ yếu là áo quần trẻ em với giá trung bình từ 20.000 đến 30.000 đồng/cái. Giá rẻ nhưng hàng khá chất lượng nên người mua tấp nập.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở phương xa khi đến Dầu Tiếng thăm người thân, thậm chí cả Việt kiều về nước khi lên Dầu Tiếng cũng không quên ghé thăm phiên chợ ngày chủ nhật. Bởi thế, từ lâu phiên chợ chủ nhật không chỉ là nơi mua bán hàng hóa giá rẻ mà mang cả nét văn hóa cộng đồng gần gũi ở nông thôn. Người thân đến thăm nhau cũng chọn ngày chủ nhật để tiện ghé chợ, những đôi trai gái mới cưới cũng chọn ngày chủ nhật để ra chợ mua sắm đồ dùng cho tổ ấm của mình. Còn những ông chồng tranh thủ ngày nghỉ chở vợ ra “thả” ở chợ chủ nhật, “mặc sức” mua sắm, để họ nhâm nhi cà phê tán ngẫu cùng nhau. Chợ phiên chủ nhật vì thế đã trở thành một nếp sống quen thuộc của người dân Dầu Tiếng.

Rời gian hàng của anh Rớt, chị Trang, chúng tôi đến quầy bán hàng gia dụng của chị Nguyễn Ngọc Trinh. Đi từ xa đã nghe chị rao văng vẳng giới thiệu các mặt hàng của mình theo vần theo điệu rất vui tai. Chị Trinh quê ở Bình Phước, hôm nay trời mưa nên chị xuống chợ có trễ hơn mọi lần nhưng hàng hóa thì vẫn phong phú chở đầy cả xe tải. Hàng hóa của chị Trinh so với các chợ ở Thủ Dầu Một giá mềm hơn nhiều. Các sản phẩm như móc áo quần, chổi lau nhà đến xoong nồi, chảo chống dính giá chỉ vài ngàn đến 50.000 đồng/cái. Cũng như anh Rớt, hai bàn tay của chị Trinh cứ thoăn thoắt bán hàng, miệng cười tươi theo vần, theo điệu trông như một diễn viên xiếc vậy.

Chúng tôi để ý hầu như những người bán hàng ở đây đều có một chiếc loa nhỏ và một chiếc mic cài sẵn để rao hàng. Khách tới mua cứ theo tiếng rao mà chọn sản phẩm rồi tính tiền chứ ở đây hàng hóa không nói thách như nhiều nơi khác. Vào những lúc cao điểm, người bán người mua đông đúc, tiếng rao mỗi nơi một kiểu như những điệu nhạc du dương khiến du khách khi đến đây cảm thấy rất thoải mái và gần gũi. Hóa ra, chợ quê mà lại rất văn minh. Người buôn bán ở tứ phương nhưng chợ tan là rác sạch. Không ai bảo ai, tất cả đều nêu cao tinh thần tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm an ninh trật tự. Các tiểu thương ở đây cho biết, phiên chợ vui nhất là vào những ngày cuối năm, trước hôm nghỉ tết, bà con ngồi lại với nhau họp mặt vui vẻ và rút kinh nghiệm cho mùa làm ăn năm mới.

Lang thang qua những ngôi chợ ở Dầu Tiếng, chúng tôi như được hòa mình vào không gian êm đềm của cư dân nơi đây, họ từ ba miền đã hội tụ về Dầu Tiếng sinh sống từ bao đời nay. Bên cạnh cuộc mưu sinh tất bật, người đến với các phiên chợ ở Dầu Tiếng còn cảm nhận được sự thanh bình, chan chứa tình cảm làng quê mà trong ký ức tuổi thơ của mỗi người đều đã trải qua. Người xa quê đến với chợ Dầu Tiếng cảm như gặp lại quê hương mình để rồi chỉ một phút được nhớ nhung, được hoài niệm về ký ức xa xưa, dù nhịp sống hiện tại đầy hối hả, lo toan.

Ai đi đâu đó gần xa, nếu có dịp hãy ghé về chợ Dầu Tiếng để thả hồn mình trong một không gian văn hóa làng xã chợ quê - hồn văn hóa Việt đặc sắc vẫn còn lưu giữ đến tận hôm nay...

Phiên chợ ngày chủ nhật ở Dầu Tiếng đã có từ mười năm nay. Chợ nằm ngay trên sân bay dã chiến cũ. Cứ mỗi chủ nhật, từ sáng sớm, không hẹn mà đến, đông đảo người bán từ Bình Phước xuống, Tây Ninh sang mang theo nhiều mặt hàng phong phú của mỗi địa phương. Nét độc đáo của phiên chợ chủ nhật là chủ yếu bán hàng Việt giá rẻ như áo quần, túi xách, giày dép, đồ gia dụng…

KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=730
Quay lên trên