Đổi mới để phát triển - Kỳ 6

Cập nhật: 18-09-2017 | 07:50:15

Kỳ 6: Phát huy phong trào khởi nghiệp

 Nhìn lại hơn 20 năm trước, tỉnh Bình Dương còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, số lượng doanh nghiệp cũng chưa nhiều. Ấy vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, Bình Dương đã trở thành nơi đất lành hội tụ, là nơi cộng đồng doanh nghiệp tìm đến làm ăn.

 Công nhân đang sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Công ty Cổ phần Sản xuất Quang Minh (phường Thới Hòa, TX.Bến Cát). Ảnh: HOÀNG PHẠM

 Đất lành khởi sự

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã thu hút được 18.500 tỷ đồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh, với 2.270 doanh nghiệp đăng ký mới; nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 27.823 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với tổng số vốn gần 210.000 tỷ đồng. Đây là con số rất đáng tự hào trong chuyện tạo lập môi trường làm ăn kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp của các thế hệ lãnh đạo tỉnh.

Bình Dương, vùng đất phát triển mạnh mẽ, đầy năng động, đương nhiên không thể thiếu những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân khởi sự làm ăn trên đất mới. Nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn suy nghĩ, nung nấu những ý tưởng kinh doanh mạo hiểm và đã thành công. Cách đây 9 năm, anh Trần Thành Trọng, một nhân viên kinh doanh bình thường cho một công ty nước ngoài chuyên bán máy phát điện. Thế nhưng, bằng nhiệt huyết và sự mạo hiểm của tuổi trẻ, anh Trọng và các đồng sự đã chọn mảnh đất Mỹ Phước, TX.Bến Cát để khởi nghiệp. “Lúc đó Bến Cát còn vắng lắm, nhiều người can ngăn chúng tôi đừng chọn đất này để làm ăn. Nhưng bằng nhận định và sự quan sát của mình, chúng tôi cho rằng không đâu tốt hơn Bình Dương để khởi nghiệp”, anh Trọng nhớ lại. Giờ thì sau 9 năm, Sáng Ban Mai đã là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất máy phát điện công nghiệp tại khu vực Đông Nam Á và đang từng bước hiện thực hóa tham vọng phủ sóng thị trường này.

Không chỉ có những bạn trẻ dám nghĩ, dám làm từ các địa phương trong cả nước tìm về khởi nghiệp, mà thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở quê hương Bình Dương cũng hăng say khởi nghiệp. Chị Huỳnh Thị Mỹ Hiền thuộc thế hệ 9X, quê TX.Bến Cát, khởi nghiệp từ nhu cầu làm đẹp bản thân. Chị Hiền chia sẻ, gia đình chị vốn không có truyền thống về kinh doanh nhưng từ nhỏ giấc mơ trở thành một doanh nhân là mục tiêu phấn đấu của chị. Không thi đại học, năm 2010 chị Hiền bắt đầu nung nấu ý tưởng kinh doanh từ nhu cầu làm đẹp của bản thân. Hiện chị cung cấp mỹ phẩm, dược liệu làm đẹp tại Bình Dương và các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ.

Hay như anh Mai Xuân Trường đã quyết định nghỉ làm giám đốc điều hành một công ty du lịch tại TP.Hồ Chí Minh để về nhà tại phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một khởi nghiệp bằng nghề nuôi gà Đông Tảo. Giờ đây, tuy mới 28 tuổi nhưng anh Trường đã có trong tay một trang trại gà quy mô, tạo dựng được tên tuổi và thương hiệu khắp đất nước. Trường còn nung nấu ý định táo bạo là đưa gà xuất ngoại.

Vườn ươm khởi nghiệp

Thực tiễn cho thấy, Hoa Kỳ hay Israel được mệnh danh là những vùng đất hứa của khởi nghiệp, không phải do những người khởi nghiệp thông minh hay mưu trí hơn, mà phần lớn là do họ có một hệ sinh thái lý tưởng cho khởi nghiệp để giúp nuôi lớn những ý tưởng mong manh nhất. Họ có nguồn cấp vốn rẻ, có đầy đủ thông tin thị trường, thông tin về cạnh tranh, hỗ trợ về thuế, chính sách, nguồn nhân lực… Và muốn trở thành một vườn ươm khởi nghiệp thực thụ, Bình Dương bắt buộc phải xây dựng hệ sinh thái này.

Bình Dương là mảnh đất có đời sống kinh tế khá phong phú với đầy đủ các thành phần, từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bởi thế, bức tranh kinh tế tại Bình Dương đầy màu sắc với sự hòa quyện, bổ khuyết lẫn nhau của nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm khởi nghiệp, tạo dựng và hiện thực hóa ước mơ làm giàu cho bản thân và đất nước của người trẻ. Chính vì thế, để Bình Dương thực sự trở thành vườn ươm khởi nghiệp, là mảnh đất mơ ước cho nhiều giấc mơ trẻ trung, tràn đầy năng lượng, hoài bão trong tương lai, rất cần có sự đồng hành, định hướng và chia sẻ của các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh. Con đường khởi nghiệp ở đâu cũng thế, không phải được rải toàn hoa hồng với những câu chuyện thành công bạc tỷ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu có môi trường tốt thì tinh thần khởi nghiệp sẽ còn mạnh mẽ hơn. Bởi khởi nghiệp không chỉ đơn thuần bước vào làm ăn, mà còn ở các chủ doanh nghiệp tạo ra những cái mới trong sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CNCTech (Khu công nghiệp Đồng An, TX.Dĩ An), một chuyên gia đầu ngành về khởi nghiệp cho hay, khởi nghiệp ở trong nước dễ mà khó, bởi trong nước chưa hình thành những thành tố quan trọng cho một hệ sinh thái khởi nghiệp. Tỉnh cần quan tâm, xem xét hỗ trợ địa điểm để các startup tập trung làm việc, tổ chức sự kiện, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như thu hút các startup khác từ 2 đầu TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội về đặt trụ sở làm việc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các sự kiện về khởi nghiệp và mời các chuyên gia về để đào tạo, chia sẻ kiến thức về khởi nghiệp công nghệ cũng như kêu gọi những người thành công về chia sẻ, truyền lửa, kết nối các startup. Đồng thời, các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, kế toán, tư vấn, đặc biệt là truyền thông… phải dễ tiếp cận, hiệu quả và có chi phí hợp lý dành riêng cho startup.

Theo các chuyên gia, không nhất thiết chính người Bình Dương phải tự khởi nghiệp thì mới được khuyến khích, hỗ trợ, mà tỉnh cần xây dựng hình ảnh về một địa phương năng động, hết mình hỗ trợ cho khởi nghiệp và có các chính sách hỗ trợ tốt để cộng đồng starup suy nghĩ về Bình Dương như một nơi tuyệt vời để bắt đầu xây dựng công ty của mình. Được như thế, Bình Dương mới thực sự trở thành vườn ươm khởi nghiệp. Qua đó, khởi nghiệp không còn là chuyện nói chơi, hay hô hào cổ vũ cho có tinh thần mà thực sự trở thành phong trào sôi động, rầm rộ và mang lại những giá trị vật chất, tinh thần to lớn cho người trẻ nói riêng và xã hội nói chung. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng.

 Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp

 Từ đầu năm đến nay, tinh thần khởi nghiệp tiếp tục lan tỏa khắp cả nước với hàng chục ngàn doanh nghiệp mới được thành lập. Niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy nhờ những động thái rất tích cực của Chính phủ.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), niềm tin của người dân vào cơ hội kinh doanh ngày càng tăng lên. Cứ 5 người trưởng thành được khảo sát thì có 1 người có dự định sẽ khởi sự kinh doanh trong 3 năm tới. Tỷ lệ người cho rằng doanh nhân là đối tượng xã hội được coi trọng cũng tăng lên. Cả hai tỷ lệ này đều nằm trong tốp 20 của 60 nền kinh tế được khảo sát.

Tuy nhiên, cùng với đó, xu hướng tất yếu phải là thành lập doanh nghiệp thay vì các hộ kinh doanh cá thể hay cá nhân kinh doanh, bởi bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay đòi hỏi sự minh bạch, với hệ thống quản trị và kế toán chuẩn mực. Để thúc đẩy các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp thì phải phát triển mạnh các thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh.

Thách thức lớn nhất đối với quá trình hội nhập là không để ai bị bỏ lại phía sau và những doanh nghiệp siêu nhỏ dễ bị bỏ rơi, bởi vì họ quá nhỏ và khó đạt chuẩn mực, khó kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng họ cũng có cơ hội rất lớn trong bối cảnh thương mại điện tử, kinh tế tri thức phát triển mạnh. Chính sách cần hỗ trợ để họ hướng tới các chuẩn mực. Một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ sẽ tạo nền tảng vững chắc để người dân khởi nghiệp, tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp.

Kỳ cuối: Phát triển kinh tế theo đúng định hướng đề ra

 LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên