Đổi mới để phát triển – Kỳ 5

Cập nhật: 16-09-2017 | 10:04:49

Kỳ 5: Phát triển kinh tế tư nhân hiệu quả, bền vững

Những năm qua, kinh tế tư nhân (KTTN) tại Bình Dương phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng trong đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) TN phát triển hiệu quả, bền vững.

Đòn bẩy cho phát triển

Cùng với sự phát triển năng động của nền kinh tế tỉnh nhà nói chung, hoạt động của KTTN không ngừng được mở rộng, trong đó DNTN đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, đa dạng về ngành nghề cũng như năng động trong quản lý điều hành. Các DNTN trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp to lớn trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã thu hút được 20.802 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh của DN trong nước, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này có 2.527 DN đăng ký mới, 469 DN điều chỉnh tăng vốn. Như vậy đến nay, toàn tỉnh có 28.075 DN trong nước đăng ký kinh doanh, với tổng vốn đăng ký 211.478 tỷ đồng. Riêng về khối DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã thu hút hơn 1,7 tỷ USD, đạt 119,4% kế hoạch năm 2017. Trong số này có 90 dự án đầu tư mới với 1,01 tỷ USD, 46 dự án điều chỉnh tăng vốn với 651 triệu USD. Tính chung đến nay, toàn tỉnh có 2.939 DN có vốn FDI, tổng vốn đăng ký 27,43 tỷ USD.


KTTN tại Bình Dương phát triển hiệu quả.
Trong ảnh: Sản xuất máy phát điện tại Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI

Để tiếp tục thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, trong đó có KTTN, tỉnh Bình Dương đã ban hành Chương trình và Kế hoạch về đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; cùng với đó triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục đầu tư, hỗ trợ DN khởi nghiệp… Một trong những điểm nổi bật của tỉnh Bình Dương trong thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư là các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính của tỉnh luôn được cải thiện. Trên tinh thần đồng hành với DN, thời gian gần đây Bình Dương đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, trong đó có việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp thực hiện “một cửa liên thông”; xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư linh hoạt, cải cách thủ tục hành chính; tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng... Từ đó, giải quyết các thủ tục nhanh gọn, rõ ràng, minh bạch theo cơ chế một cửa cho nhà đầu tư.

Theo nhận xét của nhiều nhà đầu tư, những giải pháp nói trên là tiền đề tiên quyết để Bình Dương tiếp tục tạo sự thuận lợi, thông thoáng, minh bạch và giúp KTTN phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bình Dương đang thực sự trở thành cực thu hút đầu tư trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhớ đó hàng trăm ngàn tỷ đồng cùng hàng tỷ USD đã rót về Bình Dương, tạo dòng vốn dồi dào để tỉnh nhà phát triển kinh tế.

Cần thêm nhiều giải pháp

Thành công có tính đột phá của Bình Dương chính là việc chuyển dịch, xác định cơ cấu kinh tế đúng hướng, chọn phát triển công nghiệp để tạo lực đẩy phát triển kinh tế; trong đó xác định DNTN và DN FDI đóng vai trò to lớn cho tăng trưởng kinh tế. Giải pháp lâu bền cho chiến lược này là tỉnh đã xây dựng 28 khu công nghiệp tập trung làm đòn bẩy để phát triển. Đến nay, Bình Dương đã thu hút hàng loạt dự án có quy mô lớn, dần gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn lại bước đường phát triển KTTN của tỉnh trong thời gian qua, tuy có sự phát triển mạnh mẽ nhưng DNTN trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp, các ngành. Điểm yếu của DNTN tại Bình Dương có thể nhận thấy đó là tuy có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng nhưng quy mô DN vẫn là nhỏ và vừa; số lượng DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn. Bởi thế, dù tăng số lượng DN nhưng quy mô bình quân của DN tăng không nhiều. Thậm chí, một số DN ra đời trong thời gian ngắn thì phải ngưng hoạt động do thiếu vốn, thiếu công nghệ và thiếu cả tầm nhìn chiến lược phát triển DN.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay phần lớn DNTN trong tỉnh có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh yếu, cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với thành phần kinh tế khác… Các DN này cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, hầu hết chưa được hưởng ưu đãi về thuế quan như các DN FDI, trong khi đó lại chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ khối FDI.

Ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương, cho rằng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) có nội dung về phát triển KTTN được xem là động lực mới cho sự phát triển. Điều đó cho thấy vai trò của khu vực KTTN đang được nhìn nhận và đặt ở vị trí xứng tầm. Vấn đề hiện nay là cần nhanh chóng cụ thể hóa những cơ chế, chính sách mà nghị quyết này đã đề ra, như về chính sách đất đai; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ; chính sách lao động - tiền lương và hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại...

Cũng theo ông Trọng, DNTN và KTTN có vai trò quan trọng như vậy, song trong nhận thức và hoạt động thực tiễn vẫn còn những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý chưa thấy hết được vai trò của DNTN và chưa đưa ra được những giải pháp thích hợp nhằm tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế. Môi trường kinh doanh chưa thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển… Chính vì thế, trong thời gian tới Bình Dương cần quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ DNTN nhiều hơn nữa để lực lượng này thực sự phát triển đúng theo kỳ vọng của Trung ương và địa phương.

Doanh nghiệp tư nhân phấn đấu đóng góp 50 - 60% GDP của cả nước

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 năm 2017 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức diễn ra vừa qua tại Hà Nội, với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành cùng gần 1.000 doanh nhân, lãnh đạo Hiệp hội DN, chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII)”. Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe các ý kiến cũng như trực tiếp đối thoại, trả lời những vấn đề DN quan tâm trong 3 lĩnh vực: Kinh tế số, nông nghiệp và du lịch.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những kết quả khảo sát niềm tin của doanh nhân lần đầu tiên được Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam thực hiện trong phiên họp này đã cho thấy những tín hiệu khả quan khi niềm tin của nhà đầu tư đang được cải thiện rõ nét. Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng DN, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ đối với các bạn”.

Thủ tướng cho rằng, Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. DNTN phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50 - 60% GDP.

 

KHÁNH VINH

 Kỳ 6: Phát huy phong trào khởi nghiệp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=664
Quay lên trên