14. Nhưng bây giờ phải quay lại câu hỏi: người thợ xe lửa quê Dĩ An, Thủ Đức, Sài Gòn, cớ sao trở thành Giám đốc Công an Thanh Hóa?
“Xứ ủy Trung kỳ xin tôi ra làm Giám đốc Công an Thanh Hóa. Trước đây tôi có đến đó là do tìm móc nối hoạt động, liên lạc với Đảng bộ xe lửa. Lúc đó phía Nam có nhà máy xe lửa Dĩ An quê tôi, ở Vinh có Tràng Thi, Hà Nội có xe lửa Gia Lâm. Còn Depol là những chỗ nối, bảo trì sửa chữa đầu máy. Sau khi tôi bị bắt vụ Nam kỳ khởi nghĩa, ở sà lan, một năm sau nó đưa ra tòa án quân sự kêu án một năm. Chúng không tìm ra bằng cớ gì. Ra tù, về lại quản thúc ở Dĩ An thì vừa gặp Tổng khởi nghĩa. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Tôi được chứng kiến và tham gia cướp chính quyền ở Thủ Đức”.
Trước đó, khoảng năm 1943 Tố Hữu đang hoạt động ở Thanh Hóa. Theo Hoàng Đạo nhớ thì Tố Hữu lúc đó đã vào Xứ ủy, đang là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ông biết Hoàng Đạo vì trước đó đã quen biết cả những người hoạt động cùng thời kỳ như Hải Triều, Tôn Quang Phiệt. Lúc đó quân Tàu Tưởng từ phía Bắc vào, đem theo cả những ông “cách mạng” lưu vong ở Xiêm và Trung Quốc như Đinh Chương Dương, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần… phía Nam, quân đồng minh Anh đi đến đâu, đưa Pháp chiếm lại tới đó. Tình thế nhà nước cách mạng non trẻ thật hiểm nghèo. Quân Tưởng nhếch nhác ô hợp, vợ con đùm đề, chăn chiếu đi theo. Hình như họ phải gom cả dân cho đủ mấy sư đoàn kéo vào. Chính lúc này Xứ ủy Trung kỳ chủ trương tìm một người can đảm, thông minh ra làm Giám đốc Công an Thanh Hóa. Đó là lý do khiến Hoàng Đạo đã gắn bó với xứ Thanh ngay khi chính quyền cách mạng mới thành lập được một tuần lễ. “Tháng 10 tôi ra tới nơi. Tỉnh ủy giao nhiệm vụ bảo vệ chính quyền, tổ chức Ty Công an Thanh Hóa, gây dựng nên từ một bộ phận Công an xung phong Việt Minh. Tôi mở trường. Và để nắm chắc địa bàn công tác, tôi sưu tầm viết các quyển cẩm nang: nhân vật chí, địa dư chí. Tôi nhờ các trí thức tại chỗ giúp đỡ và hoàn thành “bộ tài liệu tự túc như vậy”. Từ những năm 45 là người cán bộ đã biết tự tìm ra cách làm khoa học để làm nhiệm vụ, thật dễ hiểu vì sao ông nổi tiếng là cán bộ công an có năng lực tổ chức. Ông nhớ lại tình hình lúc đó.
“Thanh Hóa có lúc như có hai chính quyền. Chính quyền Việt Minh đóng ở tòa sứ Pháp. Quốc dân Đảng dựa thế lực quân Tưởng chiếm khách sạn Tứ Dân. Họ cũng giở đủ trò, bắt cóc, giam người, đặt trạm gác trong thị xã. Còn trí thức Khu 3, Khu 4, một số đi tản cư, lên Việt Bắc, số khác vào Khu 4 ở Quần Tín, Thanh Hóa. Một việc quan trọng nhất lúc đó là không thể để Quốc dân Đảng đòi chia quyền lãnh đạo với nhà nước cách mạng còn non yếu. Tôi yêu cầu một cuộc họp để bàn về vấn đề này, mời các nhân sĩ phát biểu. Họ cho rằng công nông chỉ cướp chính quyền, còn quản lý xã hội phải là họ, các nhân sĩ. Các tổng đốc, án sát nhân sĩ Quốc dân Đảng lên án cách mạng: “Các anh khủng bố nên nhân sĩ không muốn cộng tác”. Tôi nhân danh phái viên chính quyền Trung bộ phát biểu, nói rõ mục đích ổn định trật tự an ninh củng cố chính quyền vững mạnh đang ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc - Không thể ngồi đây trong lúc toàn dân chống ngoại xâm cứu nước, một nhóm người lại có tư tưởng theo Pháp xâm lược, theo Quốc dân Đảng, không theo tư tưởng cứu quốc của Cụ Hồ. Cách mạng phải có một sức mạnh chứ không chia năm xẻ bảy, tranh giành địa vị được. Trong số các vị ngồi đây, nói thật, tôi còn tiếp tục bắt một số người!”.
Ông tuyên bố các đoàn thể trong Việt Minh, chủ nhiệm là do Đảng cử. Lúc đó vừa mới chuyển từ Việt Minh qua Liên Việt. Nhưng năm đầu cách mạng non yếu, phải mạnh tay. Người tốt phải được chọn lựa và kiêm cách hướng người ta làm theo lẽ phải. Những lý lẽ đơn giản ấy của mọi cuộc cách mạng, không rõ ông đã học được ở đâu - Không phải trong các nhà trường, mà trong phẩm chất của người cách mạng. Ông như đã nắm chắc một hướng đi, rồi cứ băng mình mà tới, chủ động và tự tin - “Nguyễn Đức Quỳnh, Đặng Trần Hồ đòi chia quyền, không thể được, phải trị hết!”. Nghe họ nói xấu về chính quyền cách mạng, có lúc Hoàng Đạo làm cho những kẻ cứng đầu bị “roi quất” bằng lời tuyên bố thẳng thừng: “Đừng có nói cách mạng khủng bố. Cần bảo vệ chính quyền thì trong các người ngồi đây còn có người bị bắt nữa. Tôi sẽ bắt nữa!”.
Nhớ đến đây, Hoàng Đạo cười: “Có lẽ lúc đó mình cũng hơi nói tầm bậy chăng, chả có sách nào dạy cả. Chỉ vì lòng mình không thể nào dung hòa được với lối tự mãn, cái lối khinh bỉ người lao động của họ. Họ chê Ủy ban nông dân dốt nát không biết làm việc. Có người còn đọc: Xe xanh cờ đỏ sao vàng. Ai lên ngồi đó hai hàng lệ rơi - để nói xấu chính quyền chuyên chính.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI