Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
Ông cố nhớ lại hình ảnh người thiếu nữ mà ông đã đem theo trong suốt cuộc đời: Da cô trắng trẻo, mũi cao, tóa xòa, quăn tự nhiên. Khi ôm người con gái với tất cả tình yêu trong sạch đầu đời của người con trai đang lâm cảnh khốn cùng và biệt ly, anh bảo cô hãy quay về. “Thôi em ở lại, không đi được nữa. Đi mãi rồi. Khi nào yên ổn, anh sẽ liên lạc tìm về”- Phút giây từ biệt đau thương không biết đến bao giờ gặp lại, cô nói: “Em không đi theo để đỡ đần lúc anh hoạn nạn thì hồn em đi theo phù hộ anh tai qua nạn khỏi để sớm trở về với má”.
Trong câu chuyện, anh luôn nhắc tới má - Về phía cô, anh chỉ biết tên là Nguyễn Thị Nhành, con nhà nghèo khổ, cũng cảnh làm thuê ở đợ. Anh đã kể cho cô lý do phải bỏ trốn vì bị mật thám truy nã, có điều truy nã vì cớ gì là anh phải giữ bí mật không kể. Cô cũng không hỏi gì thêm. Có lẽ người thiếu nữ 16 tuổi ấy không đủ sức để vượt qua nỗi khổ đau của tuổi trẻ, khi từ giã người thân yêu để quay trở về, đi lại cả một quãng đường dài họ vừa đi với nhau. Hai trái tim thơ trẻ ấy còn non dại. Họ tính tới quãng đường mỗi người một ngả - Vì thế, khi anh vừa tới ngã ba Long Thạnh Mỹ gần cầu Gò Công thì một người đàn ông đi xe đạp tới hốt hoảng báo “Vợ ông vừa nhảy xuống sông ở đằng kia” - Có lẽ đi trên đường, người đàn ông đã thấy họ đi với nhau lúc nãy - Chàng trai vừa khóc vừa chạy trở lại. Trên bờ sông chỉ còn chiếc khăn để trong nón lá, một đôi guốc gỗ dong bên nền cầu lát gỗ. Anh ngồi khóc thảm thiết đến nỗi chạnh lòng một người có chiếc ghe nhỏ chèo trên sông. Anh đưa ông chèo đò mấy đồng bạc nhờ vớt xác cô. Mãi tới ngày hôm sau, chính tay anh được kéo mái tóc vật vờ nửa chìm nửa nổi trên mặt nước. Người chèo ghe kiêng không cho vớt xác lên ghe như tục lệ, ông cứ thế chèo dìu xác cô gái vào một bãi trâu uống nước. Chính ông đi mua giúp một chiếc hòm gỗ loại xấu, thuê người khiêng vào chôn cất ở vườn một ngôi chùa nhỏ sau khi đã làm biên bản với xã sở tại.
“Tôi chỉ khóc ngất, không dám nhìn. Hình như đó là góc vườn cách ngôi chùa khoảng 300 - 400m. Chôn xong, ông lái đò hỏi có muốn cắm bia để sau này kiếm không? Tôi đề nghị ông khắc tên cô là Nguyễn Thị Nhành Hoa. Rồi xong xuôi, tôi lạy ông và đi, cũng không còn đủ sức nghĩ trước sau hỏi tên tuổi quê quán. Chỉ biết đó là một người tốt bụng có chiếc ghe nhỏ làm ăn trên sông nước. Vậy mà trời đất run rủi thế nào, sau gần nửa thế kỷ, khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, tôi đã gặp lại được ông”.
Để lại khúc ruột đớn đau ở khu vườn ven chùa, anh lên đường, ra tới một làng làm nghề bánh bột lọc ở Hà Tĩnh xin ở giã bột thuê. Sau đó ông quay về Huế, vào phố Lò Rèn xin việc không được, người ta chỉ cho anh ra xin việc ở nhà đèn. Bắt đầu cuộc đời thoát ly đi làm cách mạng - Đến bây giờ ông vẫn có thể kể về “kỹ thuật” làm bánh bột lọc đã học được ở Hà Tĩnh - cái nghề mà sau này ở Huế, lấy vợ, ông cũng có làm để kiếm thêm tiền sinh sống. Về lại Dĩ An cũng có lúc ông làm để ăn. “Ngâm gạo, bỏ ra chậu cho ráo, đưa vào giã. Loại cối đá có chày giã bằng chân đạp như ở các vùng quê thường thấy. Bỏ vào cái khạp có miệng loe giống cái lắng đường ở Quảng Ngãi. Người ta chỉ cho biết cây bông vang mọc ngoài ruộng, hơi nhớt và vị chua. Lấy về đem quậy thành nước, lắng trong 3 giờ đồng hồ. Múc nước đó đổ vào bòng bột, lấy đá đè lên ép cho hết nước. Bột thành một khối mịn tới mức đập vỡ được, rồi phơi. Bột này quậy chín trong như thạch, nhìn thấy cả con tôm hồng bên trong nhân bánh”.
Sau giải phóng, Hoàng Đạo trở lại miền Nam. Việc đầu tiên là ông tìm ngôi mộ người thiếu nữ chôn cách đây cả gần nửa thế kỷ. Ông đi xe máy trở lại khúc đường Giồng Ông Tố - Ngôi chùa nhỏ không còn dấu vết. Người Mỹ đã san bằng để xây dựng một quân trường tập bắn, nơi huấn luyện binh sĩ. Rộng mêng mông tới 5 - 6 ki-lô-mét. Ông quanh quẩn, đi đi lại lại khiến một cụ già để ý hỏi “Ông kiếm ai?” - Sau khi nghe chuyện, cụ già kêu lên: “Tôi đây, chính tôi là người chèo ghe trên sông đã giúp chôn cất cô Nhành Hoa”. Họ vào nhà ông cụ thắp hương, mua đồ cúng. Xong xuôi mọi việc, ông cụ kể lại giai thoại của bà con trong vùng. Cô Nhành Hoa thiêng lắm. Bà con sớm đi chợ qua, thấy tiếng kêu lít chít của gà con, vịt con. Họ lấy bỏ vào thúng, sớm mai ra thấy biến thành những cục đất. Người nọ đồn thổi tới người kia, thành lệ ai đi chợ qua cũng ghé cầu khẩn xin cho buôn bán được. Lúc về, họ mua quà bánh thắp hương và bỏ lên đó một cục đất. Lâu ngày, nấm mộ to lắm. Nhưng rồi chiến tranh, thế gian biến cải vũng nên đồi, cả mộ và ngôi chùa đều bị san bằng không còn dấu vết.
Khi từ giã, Hoàng Đạo xin biếu ít tiền, nhưng ông vụ nhất định không lấy “Nhờ cổ phù hộ, tôi no cơm ấm áo là tôi nhờ cô Nhành Hoa”.
34. Bây giờ, ông Đạo không qua nơi ấy được nhiều, nhưng trong lòng ông, bên cạnh bao nhiêu thương yêu cho một đại gia đình nay trở nên đông đúc quây quần ông vẫn dành một hoài niệm, một tình thương nhớ cho người con gái của mối tình đầu đau thương ấy. Ông nhớ cái đoạn đường đặc biệt, nơi thuở ấu thơ chăn trâu cực khổ, cũng là nơi chứng kiến cuộc đưa tiễn từ biệt của hai trái tim non trẻ - “Tôi sẽ đi lại con đường đó. Dù là người ta có xây cất, thay đổi nó thế nào, thì trong tôi vẫn là con đường ngày xưa, heo hút, có những cây dầu, cây sao cao vút, còn các bụi mù u mọc thấp bên dưới, nơi có những ổ chim dòng dọc rất khôn. Nó chỉ làm tổ của mình nơi nào bên dưới có một tổ ong vô tình làm người bảo vệ. Nhìn xa xa là một dải xanh rì ven sông Đồng Nai...”.
Đến hôm nay, ông vui mừng đã tìm lại được bên cầu Gò Công, cái miếu thờ cô Nhành Hoa tự vẫn năm nào - Sau khi ông đi, dân làng đã lập miếu thờ này. Vào một ngày mưa giông của cơn bão số 5 rớt lại năm 1998, khi cuốn sách này đi vào chương kết, ông đã lần theo con đường cũ từ Giồng Ông Tố, đi lại trên chính quãng đường xưa - Hỏi thăm, lúc đầu không ai biết - Mãi tới lúc gặp một lão bà hỏi chuyện, ông mới được bà sai con trai lấy xuồng chở ông qua sông, tới được tận nơi. Chiếc miếu còn nhô lên cái mái cũ rêu phong. Không ai dám phá, nhưng từ lâu nơi đây đã hoang vu, bị cấm nhang khói vì người khắp nơi về xin xăm, người ta lên án là mê tín dị đoan”.
Vậy là sau 70 năm, chàng trai 18 tuổi nay đã hơn 90 tuổi, ông mới tìm được dấu vết xưa, kể cả tìm ra cái làng nơi ông khai tử cho Nhành Hoa, làng Thạnh Mỹ Lợi.
Ông nói sẽ trở lại để hy vọng tìm thêm nhiều dấu vết ngày xưa. Bây giờ ông vẫn muốn lắng nghe tiếng chuông nhà thờ Bến Gỗ - Đó là lúc sao mai lên... Không còn ai nhắc lại chuyện xưa nơi Giồng Ông Tố cho tới Thạnh Mỹ Lợi, đầu mùa mưa, đến trận mưa thứ hai, người ta ra hàng cây trước hiên nhà để nhặt hàng rổ đầy các chú ve sầu lột xác. Con ve sầu nằm dưới đất suốt mùa nắng nóng, gặp mưa đầu mùa mới nhô lên. Sau này chúng biến thành các món ăn cho người Sài Gòn thưởng thức: Các món ăn ve rang, làm chả chiên hoặc bằm nấu cháo. Những món đó ngày nay không còn nữa. Ông còn nhớ cả nơi đó chính là xứ sở của nghề làm nấm rơm, bây giờ ông còn tìm lên định thuê người ta lắp cho hai luống rơm để rắc men, tưới cho nấm mọc. Nhưng ở đó, cái nghề truyền thống cũng đã thay đổi. Họ chỉ còn làm meo giống còn nấm thì ở dưới miền Tây mới làm đại trà, ra ruộng không có phèn, nên cái nghề truyền thống đã đến đậu ở đó. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Ông TRẦN VĂN QUÝ, cán bộ hưu trí phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một): Hoàng Đạo - một người cách mạng tài giỏi
Ông Trần Văn Quý, cán bộ hưu trí, cư ngụ tại tổ 8, phường Hiệp Thành, TP.TDM cho biết, trước đây, ông từng là Chánh Văn phòng Ty Công an Thủ Dầu Một (giai đoạn 1947-1950), Chánh Văn phòng Ty Công an Tòa án Quân sự tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn (1950-1954) nên ông rất hiểu công việc của người điệp viên. Để trở thành điệp viên, một người công an xuất sắc phải là người tài giỏi, hiền đức, chí công vô tư, trung thành… Trong vai trò Trưởng ty Công an Thanh Hóa, ông Hoàng Đạo thể hiện tính cách cương trực của mình, sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ chính nghĩa. Ông Quý đọc báo Bình Dương nhìn ngắm nhân vật Hoàng Đạo và nói, ông Hoàng Đạo còn là một người cha mẫu mực. Dù thời gian hoạt động bên ngoài nhiều hơn ở nhà nhưng ông giáo dục con cái rất tốt. Các con ông đều được ông nhắc nhở, dạy bảo sống tốt. Giờ đây, mỗi người một việc nhưng có hiếu với ba mẹ, sống tình nghĩa với mọi người xung quanh. Ông còn tâm đắc với lối dẫn chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. Bà khiến người đọc bị cuốn vào các câu chuyện mà Hoàng Đạo kể lại một cách hấp dẫn. Cuốn sách “Đời người xuyên thế kỷ” thật sự là món ăn tinh thần cho thế hệ trẻ.
THIÊN LÝ